Nhiều học sinh quyết định học nghề từ sớm để tiết kiệm thời gian, chi phí học tập và tìm cơ hội việc làm phù hợp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tìm hướng đi phù hợp
Con đường đến với các trường đại học hiện không quá khó khi các trường mở rộng phương thức xét tuyển, xây dựng ngành mới, thế nhưng nhiều học sinh không mấy mặn mà với con đường này mà chọn một hướng đi khác.
Nguyễn Hương Giang – học sinh lớp 12, Trường THPT tại Bắc Ninh – cho biết, sau khi tốt nghiệp sẽ quyết định rẽ lối học nghề. Đối với nữ sinh, đây là lựa chọn thực tế, vừa phù hợp với điều kiện gia đình và đáp ứng được sở thích cá nhân.
“Nếu học đại học, em sẽ mất khoảng thời gian 4 năm và một khoản học phí lên tới trăm triệu đồng. Điều này quá sức với khả năng tài chính của gia đình em. Học nghề sẽ giúp em rút ngắn thời gian học, sớm đi làm để phụ giúp gia đình” – Hương Giang cho biết.
Cũng theo nữ sinh, trước khi đưa ra lựa chọn học nghề nào, nữ sinh đã tính toán rất nhiều. Có 3 tiêu chí để Giang chọn nghề là sở thích cá nhân, khả năng gắn bó với nghề cũng như tiềm năng phát triển của ngành. “Nghề trang điểm mà em lựa chọn là một nghề rất có tiềm năng bởi càng ngày con người càng hướng tới cái đẹp, nhu cầu sử dụng dịch vụ trang điểm tăng cao, nhất là vào cao điểm mùa cưới hay mùa chụp ảnh” – Hương Giang chia sẻ.
Có con học lớp 9 tại TP Thanh Hóa, chị Lê Thị Hạnh cho biết, con trai thích ôtô, mong muốn theo đuổi công việc liên quan đến lĩnh vực này. Chính vì vậy, gia đình đã hướng cho con học trường nghề. “Đây là quyết định lớn với con đường học tập của con. Tuy nhiên, sau quá trình xem xét và cân nhắc, gia đình đi đến quyết định cho con học trường nghề sau tốt nghiệp THCS. Tại đây, con vừa được học nghề, vừa được học văn hóa, phù hợp với năng lực và sở thích của con” – chị Hạnh chia sẻ.
Đại học không phải con đường duy nhất
Những năm gần đây, xu hướng học sinh đăng ký vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng cao. Các cơ sở này cũng có rất nhiều ưu đãi như học bổng khuyến khích, cơ hội thực tập, làm việc với mức lương tốt ngay sau khi ra trường nhằm thu hút học sinh.
Theo TS Lê Danh Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, thời điểm hiện tại trường đã nhận được khá nhiều hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trường cũng có nhiều chính sách ưu đãi với các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ nhằm thúc đẩy tinh thần học tập của học sinh.
Bên cạnh đó, nhà trường nhận được rất nhiều đơn đặt hàng nhân lực từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, ôtô, tự động hóa. Với những đơn đặt hàng như vậy, sinh viên sẽ không tốn tiền học phí, đồng thời được đảm bảo đầu ra với mức đãi ngộ tốt.
“Trong quá trình học tập, nếu học sinh có nhu cầu đi học trao đổi ở nước ngoài, trường sẽ tạo điều kiện xét duyệt dựa trên kết quả học tập của các em. Sau khi hoàn thành chương trình học ở nước ngoài, các em hoàn toàn có thể ở lại làm việc” – TS Lê Danh Quang cho biết.
Nhìn từ thực tế, cô Trần Thị Thơ – giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) – nhận định, có rất nhiều lý do khiến học sinh quyết định lựa chọn học nghề.
“Học đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công. Bản thân tôi từng thấy nhiều cử nhân đại học sau khi ra trường không xin được việc, phải tiếp tục đi học nghề vì chưa thành thạo thực hành. Trong khi đó, học nghề có thời gian học ngắn hơn, chi phí thấp hơn, tạo điều kiện vừa học vừa làm, giúp học viên có thể đi làm ngay sau tốt nghiệp” – cô Thơ cho biết.
Dành lời khuyên cho các sĩ tử, cô Thơ chia sẻ: “Dù lựa chọn học nghề, học đại học hoặc theo bất kỳ định hướng nào thì việc học văn hóa là luôn cần thiết, phải liên tục duy trì và bền bỉ. Các sĩ tử cũng cần tự tin, nhất quán với lựa chọn của mình và cố gắng học tập, từ đó đạt được kết quả mình mong muốn”.
Nguồn: laodong.vn