TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, nói về những nỗ lực của nhà trường nhằm đưa việc học nghề trở thành một lựa chọn hấp dẫn trong suy nghĩ của phụ huynh và học sinh, sau 10 năm trường đi vào hoạt động.
Theo ông, vào trường cao đẳng nghề có phải là một lựa chọn tự hào trong suy nghĩ của người học và các bậc phụ huynh hiện nay?
Cha ông ta có câu nhất nghệ tinh nhất thân vinh, có tay nghề giỏi thì việc tự khắc tìm đến. Nhưng có một giai đoạn tương đối dài, quan niệm đó bị thay đổi do cách sử dụng lao động của xã hội. Phần lớn các đơn vị tuyển dụng lao động thường đề cập bằng cấp đại học, phải tốt nghiệp chính quy khá, giỏi; thậm chí những nghề không cần đến trình độ đại học vẫn yêu cầu ứng viên phải tốt nghiệp đại học. Xã hội cho rằng học cao hơn thì có nghĩa là giỏi hơn; trong khi các phụ huynh cũng nghĩ phải học đại học để cơ hội tiến thân, cơ hội thành công của con em mình rộng mở hơn mà không cần biết tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp đến 30%.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tuyển dụng đã có chiều hướng thay đổi, chủ yếu dựa trên mô tả công việc, năng lực, và sở trường của người lao động hơn là bằng cấp. Thực tế thiếu hụt lực lượng lao động có kiến thức, kỹ năng, và thái độ nghề nghiệp được đào tạo bài bản cũng khiến cho những người học nghề dễ kiếm việc hơn. Những yếu tố đó đang dần làm thay đổi quan niệm của phụ huynh và học sinh về trường nghề. Như trường chúng tôi, nhiều em đủ điểm đỗ đại học, thậm chí có điểm xét tuyển cao đến 27,5, vẫn đăng ký vào. Với những em đó, chúng tôi đều tặng học bổng để khuyến khích. Có những em tốt nghiệp đại học rồi lại quay trở lại học nghề với mong muốn tìm được việc làm bền vững. Mà chính những em có đầu vào tốt như vậy sau khi tốt nghiệp thành danh rất nhanh, khởi nghiệp thành công hoặc thành ông chủ bà chủ.
Thay đổi đó về quan niệm có giúp cho việc tuyển sinh của trường dễ dàng, thuận lợi hơn không, thưa ông?
Thực tế là có thuận lợi hơn nhưng nhìn chung chưa rõ rệt.
Là trường đào tạo chất lượng cao nên tỷ lệ sinh viên của chúng tôi ra trường có việc làm ngày càng tăng. Từ năm 2018, chúng tôi đặt mục tiêu 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Chúng tôi ký hợp đồng đào tạo với từng em, theo đó những em đạt chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng đều được nhà trường giải quyết việc làm với mức thu nhập từ 5-15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chúng tôi còn có những chương trình du học New Zealand, Nhật Bản, Đức… Đó là những điểm rất hấp dẫn đối với người học.
Nhưng đầu vào đại học ngày càng giảm, trước còn có điểm chuẩn, điểm sàn, giờ bỏ luôn điểm sàn, chỉ xét tốt nghiệp THPT, điều này vẫn làm “nao núng” tinh thần nhiều em, nhiều bậc phụ huynh, “vào đại học dễ như thế thì sao phải đi học cao đẳng nghề”.
Ông có thể cho biết, những xu hướng đào tạo nào trên thế giới mà các cơ sở nghề trong nước cần nắm bắt và theo kịp?
Các công nghệ mới ra đời, nhiều ngành nghề sẽ mất đi; những công việc đơn giản, mang tính lặp đi lặp lại sẽ được thay thế bằng robot, bởi vậy yêu cầu đối với người học giờ đây ngày càng cao. Người học chỉ giỏi kỹ năng của một nghề thôi là chưa đủ mà phải biết thêm các nghề liên quan, biết ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Họ phải năng động, sáng tạo và thích nghi cao hơn, do đó việc đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải vừa rộng hơn và sâu hơn.
Nhìn chung, xu thế bây giờ là hội nhập, học để trở thành công dân toàn cầu. Mà khi hội nhập, người lao động các nước ASEAN có thể sang Việt Nam làm việc, nếu sinh viên Việt Nam không bảo đảm được sức khỏe, không có đủ kiến thức, kỹ năng, không có thái độ tốt thì mất việc làm là điều đương nhiên.
Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã làm gì trước những đòi hỏi mới đó?
Đó là một quá trình dài và liên tục, về cơ bản liên quan đến đổi mới chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất thiết bị, và đặc biệt là năng lực của đội ngũ giáo viên. Chúng tôi sẵn sàng loại bỏ những ngành nghề không đáp ứng xu thế, tuyển sinh không bảo đảm; đồng thời mở thêm những nghề mới có nhu cầu sử dụng cao ở Hà Nội cũng như khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Năm nào chúng tôi cũng có một vài nghề được sàng lọc hoặc bổ sung. Thời gian tới, chúng tôi hướng đến các nghề có hàm lượng chất xám hoặc hàm lượng công nghệ cao như năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao hay kỹ thuật và dịch vụhàng không…
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cả kiến thức và thái độ nghề nghiệp cho sinh viên sát với yêu cầu của người sử dụng lao động, chúng tôi không chỉ đưa các em đi thực tập ở doanh nghiệp mỗi năm từ 3-4 tháng mà còn tổ chức đào tạo ngay tại doanh nghiệp. Đi thực tập là học lý thuyết ở trường rồi đến doanh nghiệp học trên dây chuyền sản xuất để nắm bắt chu trình công nghệ, an toàn lao động…; còn đào tạo tại doanh nghiệp là hình thành các lớp học ngay tại chỗ với sự tham gia của các giảng viên của doanh nghiệp.
Từ năm 2018, chúng tôi bắt đầu ký hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp, với người học. Từ năm 2019, một số sinh viên vào trường được ký hợp đồng kép, tức là vừa ký hợp đồng đào tạo với Hiệu trưởng, vừa ký hợp đồng tuyển dụng với doanh nghiệp. Đã có 50 sinh viên được ký hợp đồng tuyển dụng trực tiếp với tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc. Dự kiến, năm tới có 300 em ký hợp đồng với Agrimeco, một tổng công ty cơ khí nông nghiệp rất lớn ở miền bắc. Gần đây nhất, 85% sinh viên của chúng tôi có việc làm trước khi tốt nghiệp, và 5-6 tháng sau thì tỷ lệ này lên đến 97%. Đáng nói là, đa số các em có thu nhập 8 triệu đồng/tháng, cao hơn mức chúng tôi đã cam kết. Như vậy mục tiêu tất cả sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm của chúng tôi chỉ còn 3% nữa là đạt được.
Xin cảm ơn ông!
Trường Cao đẳng nghệ Công nghệ cao Hà Nội là công trình trọng điểm chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, được UBND Thành phố đầu tư xây dựng đồng bộ, trang thiết bị hiện đại hàng đầu quốc gia và khu vực, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và các khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Sau 10 năm đi vào hoạt động, từ quy mô tuyển sinh 820 sinh viên năm 2010, tới nay quy mô tuyển sinh của nhà trường đã lên tới hơn 5.500 sinh viên và phấn đấu đạt con số 7.000-8.000 vào năm 2020. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm hàng năm đạt trên 96%. Ở một số nghề như Điện, Điện tử, Điện lạnh, Cơ khí, Hàn, Chăm sóc sắc đẹp…, 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Một giờ thực hành ở Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: HHT Từ 16 nghề đào tạo, đến nay nhà trường đã có 34 nghề đào tạo, trong đó có 3 nghề đào tạo theo chương trình của Úc, 2 nghề theo chương trình của New Zealand, 3 nghề theo chương trình của Hàn Quốc, 1 nghề theo chương trình của Đức. 8 nghề của trường được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt là nghề trọng điểm. Trường được Hiệp hội Dạy nghề Châu Âu (EVBB) công nhận là thành viên, được đánh giá đạt chuẩn chất lượng trường theo khung chất lượng Bang Sachsen – CHLB Đức, và được Tổ chức Skills International công nhận 2 nghề đạt chuẩn chất lượng New Zealand. |