Cơ điện tử (Mechatronics Engineering) là một lĩnh vực có sự giao thoa giữa kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện và khoa học máy tính để phát triển tư duy trong thiết kế, chế tạo và vận hành máy móc, thiết bị thông minh. Đó là sự “liên kết cộng năng của nhiều lĩnh vực để tạo ra những sản phẩm mới có những tính năng vượt trội”. Với sự am hiểu về cơ khí, điện tử, tin học và các công nghệ hiện đại… kỹ sư cơ điện tử vận dụng hệ thống điều khiển linh hoạt vào các sản phẩm cơ khí, thông qua đó, kết nối với hệ thống xử lý thông tin để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Cơ điện tử – ngành nghề chiến lược trong thời đại 4.0:
Ngày nay, thế giới đã bước vào giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do vậy, các thiết bị thông minh hóa, quy trình cũng như các phương thức sản xuất ở các nước nói chung và Việt Nam nói riêng đều đầu tư các dây chuyền sản xuất tự động, hiện đại đều xuất phát từ các ứng dụng của lĩnh vực Cơ điện tử. Vì vậy, lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng thời đại công nghiệp ngày nay.
Nghề Cơ điện tử trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội là một trong 4 nghề đào tạo hệ Cao đẳng chất lượng cao (theo chương trình của Australia).
Với phương châm đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, chương trình đào tạo nghề Cơ điện tử mang tính ứng dụng cao với tỉ lệ 70% thực hành. Sinh viên học năm thứ nhất được trang bị kiến thức tổng quan tại phòng lý thuyết: an toàn lao động, kỹ thuật điện, vẽ kỹ thuật, điện cơ bản và vận dụng tại phòng thực hành. Năm thứ hai, sinh viên được thực hành chuyên sâu về: Robot công nghiệp, lập trình vi điều khiển, lập trình PLC, lắp đặt vận hành trạm (điện tử, khí nén thủy lực, tiện CNC, phay CNC),…Năm thứ ba, người học được tham gia sản xuất trực tiếp và làm việc tại doanh nghiệp, được nhận lương ngay khi thực tập và có thể trở thành kỹ thuật viên/nhân viên chính thức tại Công ty/doanh nghiệp.
Với thời gian đào tạo từ 2,5 – 3 năm (hệ Cao đẳng chính quy), sau khi hoàn tất khóa học; sinh viên nghề Cơ điện tử trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) sẽ nắm vững các kiến thức chuyên ngành và thực nghiệm trên các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Sau tốt nghiệp, học viên có khả năng phân tích, thiết kế các loại máy móc Cơ, Điện tử và các hệ thống điều khiển dây chuyền thiết bị và dây chuyền sản xuất trong công nghiệp; Tổ chức và triển khai bảo trì, sửa chữa, cải tiến nâng cao các hệ thống Cơ – Điện tử; Tổ chức, quản lý và điều hành quá trình thiết kế và sản xuất; Tham gia đào tạo cán bộ kỹ thuật về Công nghệ kỹ thuật Cơ, Điện tử.
Nhu cầu nhân lực ngành nghề này đang ở vị trí khá cao và duy trì sức hút trong tương lai 10 năm tới, không chỉ có thể làm việc ở các vai trò khác nhau, các kỹ sư thực hành Cơ điện tử có thể trở thành các nhà sáng chế và khởi nghiệp với các sản phẩm đặc trưng của riêng mình.
Nghề Cơ điện tử tại HHT: Những thành tích đáng tự hào
Với đội ngũ giáo viên tận tâm, nhiệt tình, chuyên môn cao; học sinh – sinh viên nghề Cơ điện tử trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội qua các thế hệ đã gặt hái được những thành tựu vang dội. Tiêu biểu trong số đó là cựu sinh viên Trần Anh Tài (lớp Cơ điện tử 3 khóa III – Khoa Cơ khí). Anh Tài được ví như “chàng trai Vàng Cơ điện tử” khi em đạt Huy chương Vàng nghề: Cơ điện tử tại Kì thi tay nghề Asean lần thứ X được tổ chức tại Việt Nam và là đại diện của đội tuyển Quốc gia dự thi Kỳ thi tay nghề Thế giới lần thứ 43 (năm 2015) nghề Cơ điện tử được tổ chức tại thành phố Sau Paolo (Brazil); Vũ Văn Bình CĐT K3, Giám đốc Công ty TNHH tự động hóa ATVN Việt Nam (Giải Nhất kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia 2014 nghề Cơ điện tử); Nguyễn Văn Tuyến CĐT K3, GĐ Công ty TNHH CNC Thiên Long Vina, CĐT K3 (Tham gia Robocon toàn quốc 2014); Sinh viênHồ Nguyễn Tùng Dương CĐT2 K8 đạt giải Nhất nghề Cơ điện tử tại kỳ thi tay nghề thành phố năm 2019, tham dự kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ XI năm 2020; Nguyễn Thị Ngọc Ly CĐT1 K8, đạt giải Nhì nghề Robot di động tại kỳ thi tay nghề Thành phố năm 2019.
Cựu SV Trần Anh Tài là 1 trong 14 đại diện của VN tranh tài tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43 năm 2015 được tổ chức tại Brazil.
Được học tập, thực hành trên hệ thống máy móc, cơ sở vật chất đầu ngành cùng sự giảng dạy, hướng dẫn tận tâm của đội ngũ nhà giáo; sau tốt nghiệp, nhiều học sinh – sinh viên nghề Cơ điện tử của nhà trường đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các nhà máy, doanh nghiệp: Vũ Văn Bình CĐT K3 – Giám đốc Công ty TNHH tự động hóa ATVN Việt Nam; Nguyễn Văn Tuyến CĐT K3 – GĐ Công ty TNHH CNC Thiên Long Vina, CĐT K3; Nguyễn Văn Bình CĐT K2 – Trưởng bộ phận phát triển gia dụng của Công ty MUTOSI; Trịnh Quang Mạnh CĐT K4 – Quản lý sản xuất tại tập đoàn Unilever; Trương Văn Dũng CĐT K7 – Trưởng phòng bộ phận đại diện Công ty QMS Tech,…
Nguyễn Văn Tuyến CĐT K3 – GĐ Công ty TNHH CNC Thiên Long Vina, CĐT K3 (Tham gia Robocon toàn quốc 2014).
Năm học 2023 – 2024, nghề Cơ điện tử trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội tiếp tục là một trong 4 nghề đào tạo hệ Cao đẳng chất lượng cao (theo chương trình của Australia). Với tất cả những ưu thế vượt trội của lĩnh vực Cơ điện tử mang lại, học Cơ điện tử tại HHT sẽ giúp thế hệ Gen Z khai phá tri thức, tạo ra giá trị cho cuộc sống trong thời đại 4.0.
Trung tâm TS & GQVL./.