Hợp tác với các cơ quan/tổ chức trong và ngoài nước để thúc đẩy việc tạo điều kiện tiếp cận cho học sinh nghèo, người dân tộc thiểu số/các đối tượng yếu thế có “cơ hội học tập, cơ hội việc làm” bình đẳng; trong những năm qua, trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) đã trực tiếp/phối hợp tuyển sinh, đào tạo và áp dụng nhiều chính sách đồng bộ dành cho học sinh – sinh viên là người miền núi, người khuyết tật; giúp họ được trang bị kỹ năng nghề, có việc làm trong tương lai.
Một trong những nhiệm vụ chính trị và cũng là mục tiêu thực hiện an sinh xã hội, thể hiên tính nhân văn sâu sắc đối với lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp là thực hiện các chính sách thúc đẩy giáo dục phát triển toàn diện, nâng cao dân trí và bảo đảm công bằng. Nổi bật nhất chính là chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi, vùng cao và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; người yếu thế,..
Đồng hành cùng HSSV có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng yếu thế:
Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) phát triển GDNN toàn diện. Theo đó, mọi đối tượng có nhu cầu đều có thể đăng ký học nghề, từ trình độ sơ cấp đến cao đẳng với tổng số 40 nghề đào tạo.
Theo thống kê từ phòng Công tác học sinh – sinh viên, tính đến thời điểm hiện tại, toàn trường có 80 HSSV là con em dân tộc thiểu số và 65 HSSV thuộc đối tượng hộ nghèo/hộ cận nghèo. Nhiều trong số đó là học sinh – sinh viên nghèo vượt khó tiêu biểu; gương mặt sinh viên dân tộc thiểu số Thủ đô xuất sắc.
Mọi đối tượng HSSV được học tập bình đẳng với trang thiết bị đồng bộ, giáo viên tâm huyết, giàu kinh nghiệm.
Năm học 2023 – 2024, nhà trường tiếp tục đồng hành trong việc hỗ trợ nội trú cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi; tặng học bổng cho HSSV đạt thành tích học tập xuất sắc mỗi học kỳ; HSSV giành giải cao tại các Kỳ thi; HSSV có nhiều đóng góp trong hoạt động Đoàn – Hội và phong trào thanh niên,…Cùng với đó, nhà trường áp dụng đồng bộ nhiều chính sách khuyến học, học bổng khác như (Hệ Cao đẳng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp: SV nhận được hỗ trợ 100% học phí; Các nghề thuộc nhóm ngành Cơ khí, Công nghệ ô tô, Nông nghiệp – Tài nguyên – Môi trường hay một số nghề thuộc nhóm ngành Điện – Điện tử được Nhà nước hỗ trợ 70% học phí học nghề; Thực hiện chế độ miễn/giảm học phí theo đúng Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định 57/2017/NĐ – CP ưu tiên cho học sinh dân tộc thiểu số; Tặng học bổng khuyến khích đầu vào cho HSSV,…).
Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, đào tạo gắn liền với thực tiễn; nhà trường tập trung hướng vào hình thành và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho HSSV nên kết cấu chương trình: 70% thời lượng cho thực hành và 30% thời lượng cho lý thuyết. Đồng thời, HSSV được trải nghiệm và trực tiếp làm việc thực tế tại doanh nghiệp sản xuất. Nhờ vậy, sau tốt nghiệp; sinh viên vững tay nghề, kỹ năng tốt, được doanh nghiệp và xã hội đánh giá cao.
Đào tạo và giải quyết việc làm cho con em gia đình khó khăn, dân tộc thiểu số, người khuyết tật: Đảm bảo quyền được an sinh xã hội cho người dân.
Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo đất nước. Đây là chính sách cơ bản để giảm nghèo, bảo đảm đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh. Điều đó ngoài việc hướng tới việc làm bền vững, tăng cường trợ giúp xã hội còn nhằm thúc đẩy và thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giúp giảm nghèo bền vững.
Thực hiện chủ trương đó, trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội thực hiện đào tạo nhiều cấp trình độ cho nhiều đối tượng khác nhau; chú trọng và ưu tiên nhóm đối tượng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và đạt được một số kết quả nhất định:
Thứ nhất: Ngày 29/4/2022, tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo giữa nhà trường với Tổ chức Anngel’s Haven, hợp tác Dự án thí điểm phục hồi chức năng thông qua dạy nghề cho thanh niên khuyết tật tại Hà Nội. Với mục tiêu đào tạo tống số 75 thanh niên – sinh viên khuyết tật (03 khóa học) và hỗ trợ việc làm thông qua các chương trình đào tạo nghề, phát triển kĩ năng mềm cũng như giáo dục nâng cao về nhận thức cho 150 phụ huynh và học sinh khuyết tật, sự hợp tác giữa hai bên có ý nghĩa quan trọng trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng yếu thế tại Thủ đô. Đây là một Dự án có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hỗ trợ trang bị kiến thức và kĩ năng nghề cho người khuyết tật để họ thay đổi cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Thứ hai: HSSV người dân tộc thiểu số, hộ nghèo được học tập bình đẳng với trang thiết bị đồng bộ, giáo viên tâm huyết, giàu kinh nghiệm.
Thứ ba: 100% học sinh – sinh viên người dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp nội trú theo Nghị định 57/2017/NĐ – CP ưu tiên cho học sinh dân tộc thiểu số.
Thứ tư: 100% HSSV hộ nghèo/cận nghèo, miền múi tham gia bảo hiểm y tế; được tham gia sản xuất trực tiếp tại doanh nghiệp; được giới thiệu việc làm sau đào tạo và khởi nghiệp.
Trong bối cảnh lao động phổ thông, đặc biệt là người lao động (NLĐ) không có kỹ năng nghề đang đứng trước thách thức thiếu việc làm nghiêm trọng thì NLĐ có kỹ năng nghề, nhất là lao động có tay nghề cao lại được các doanh nghiệp chờ đón từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường với thu nhập đáng mơ ước. Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội luôn đồng hành cùng mọi đối tượng trên con đường lựa chọn nghề nghiệp, kiến tạo tương lai./.
Trung tâm TS & GQVL./.