Trong xu thế xã hội hóa giáo dục, nhiều trường Đại học/Cao đẳng thực hành được thành lập với những ngành nghề đào tạo giống nhau. Mỗi trường có một hướng đi riêng biệt để khẳng định thương hiệu và giá trị cốt lõi của mình. Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội chọn cho mình triết lý đào tạo: tuyển sinh là tuyển dụng, đào tạo gắn kết với việc làm; chú trọng việc Thực học – Thực hành để tạo nên những giá trị đích thực cho người học.
Gía trị thực sự của việc học và bằng cấp chính là người học phải có việc làm và thành công trong sự nghiệp. Hiểu được điều đó, thông qua việc xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu rộng với hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước, trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã trở thành một trong những cơ sở GDNN đi đầu cả nước khi giải quyết hiệu quả mục tiêu kép: nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp cho học sinh – sinh viên.
Từ sự đầu tư đồng bộ và triết lý giáo dục đúng đắn…
Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng đồng bộ, trang thiết bị hiện đại hàng đầu Quốc gia và khu vực. Được sự quan tâm của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục GDNN, UBND – Thành uỷ thành phố Hà Nội và các cơ quan hữu quan, trường được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, trường được các đối tác đến từ Tập đoàn Texas Instruments (Hoa Kì), Tổ chức Jica (Nhật Bản), Học viện Chrisomn (Australia), Tập đoàn Wassakabel (CHLB Đức),… các doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ, đầu tư trang thiết bị cho nhà trường. Do vậy, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đứng vào top đầu của các trường dạy nghề trong cả nước với các khu làm việc của giáo viên, Kí túc xá sinh viên, Hội trường, Nhà thi đấu, Căng tin, các xưởng thực hành khang trang, đáp ứng các yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, hội nhập khu vực và thế giới.
Chương trình đào tạo gồm 70% thời lượng cho thực hành và 30% thời lượng cho lý thuyết.
Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, đào tạo gắn liền với thực tiễn; chương trình giảng dạy của trường tập trung hướng vào hình thành và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho HSSV nên kết cấu chương trình: 70% thời lượng cho thực hành và 30% thời lượng cho lý thuyết. Đồng thời, HSSV được trải nghiệm và trực tiếp làm việc thực tế tại doanh nghiệp sản xuất.
Một tiết học của SV nghề: Dịch vụ Thú y – Thực học, thực hành.
Nguồn lực từ việc hợp tác với doanh nghiệp không chỉ giúp sinh viên có thêm địa điểm thực hành, thực tập và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp mà còn hỗ trợ nhà trường trong đào tạo bồi dưỡng giáo viên; phát triển chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất; hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ; liên kết đào tạo, công nhận văn bằng, chứng chỉ… đóng góp hiệu quả vào chất lượng đào tạo.
Đặc biệt, các chương trình hợp tác đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, người học được trả lương, trả toàn bộ chi phí đào tạo ngay khi vào học như: chương trình hợp tác với Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) để đào tạo 800 kỹ thuật viên; hợp tác với Hiệp hội Thang máy Việt Nam và Hãng GAMA LIFT thành lập Trung tâm Đào tạo nhân lực kỹ thuật thang máy; hợp tác với Hãng Daikin thành lập Trung tâm Đào tạo kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí cùng nhiều chương trình hợp tác tương tự với các tập đoàn lớn như: AGRIMECO, HOMECARE, PMC, PMTT…
… Đến những kết quả đạt được:
Sinh viên có việc làm:
Cùng với việc nâng cao các kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên ngành theo tiêu chuẩn quốc tế. Một trong những bước đi hiệu quả, thiết thực của Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội trong việc hạn chế sinh viên ra trường rơi vào tình trạng thất nghiệp đó là: nhà trường đã chọn cho mình lối đi riêng khi chủ động “bắt tay” chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt hơn, Ban giám hiệu nhà trường thực hiện việc cam kết bằng văn bản – đảm bảo 100% HSSV đạt chuẩn đầu ra có việc làm hoặc có thể tự tạo việc làm với mức thu nhập từ 8 – 20 triệu/tháng.
Hiện tại, nhà trường đã thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao với rất nhiều Doanh nghiệp, đối tác. Gần đây nhất, HHT đã ký kết tham gia cung ứng 14.000 lao động thuộc nhóm ngành: Cơ khí, Điện tử, CNTT cho Tập đoàn INVENTEC (Đài Loan), hướng tới việc thành lập Trung tâm hợp tác HHT – INVENTEC.
Sinh viên đạt chuẩn các kỹ năng:
Nhà trường qui định 03 nhóm chuẩn: Một là: chuẩn về kĩ năng nghề: sinh viên ra trường phải chắc tay nghề, kĩ năng nghề vững vàng. Hai là: chuẩn về tiếng Anh: sinh viên trước khi tốt nghiệp, trình độ ngoại ngữ phải đạt 350 điểm thi Toeic hoặc tương đương. Ba là: chuẩn về Tin học: chuẩn ICDL là thước đo trình độ Tin học của sinh viên nhà trường trước khi tốt nghiệp.
Riêng với các lớp chất lượng cao, theo tiêu chuẩn Quốc tế, chuẩn đầu ra đối với trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) là B2 (Khung năng lực ngoại ngữ châu Âu).
Bên cạnh đó, nhà trường chỉ đạo các khoa chuyên môn phối hợp với nhà trường giảng dạy cho sinh viên các kiến thức về kĩ năng mềm, văn hoá ứng xử tuỳ thuộc vào từng chuyên ngành đào tạo. Nhờ có các chuẩn đầu ra như vậy, sinh viên nhà trường được các tổ chức tuyển dụng lao động đánh giá rất cao về chuyên môn, kĩ năng làm việc và tác phong công nghiệp. Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội rất rộng mở.
Sinh viên đạt nhiều giải cao tại Kỳ thi kỹ năng nghề các cấp và phong trào thi đua:
Trong bất kì cuộc thi nào, trong nhiều năm liền trường đều dẫn đầu về thành tích đạt giải. Tên tuổi của sinh viên HHT đã được vinh danh trên đấu trường của khu vực và Quốc tế.
Chu Văn Nam – ngoài cùng bên trái (Khoa CNTT) – SV GDNN tiêu biểu 2022, HCV nghề Giải pháp phần mềm CNTT tại Kỳ thi kỹ năng nghề QG 2021, là đại diện của VN dự thi Kỹ năng nghề Thế giới năm 2022 tại Hàn Quốc.
Cùng với phong trào thi đua học tập rèn luyện, công tác Đoàn thanh niên – Hội sinh viên của nhà trường phát triển mạnh. Hầu hết các cuộc thi do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Thành đoàn Hà Nội phát động, sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đều đạt giải cao và để lại nhiều dấu ấn. Nhà trường tổ chức hơn 10 Câu lạc bộ hoạt động ngoại khoá, thu hút đông đảo sinh viên tham gia.
Thực học – Thực hành trở thành “kim chỉ nam” trong mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà trường. Thông qua đó, mỗi học sinh – sinh là chủ thể đều đạt chuẩn kỹ năng nghề và các kỹ năng khác, hướng đến Thực danh – Thực nghiệp; được doanh nghiệp và xã hội đánh giá cao; làm chủ cuộc sống, kiến tạo tương lai./.
Trung tâm TS&GQVL./.