Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thanh Thư – học sinh lớp 12 tại Đông Sơn (Thanh Hóa) dành thời gian rảnh để tìm hiểu nghề làm đẹp. Được đánh giá học lực khá, nữ sinh lớp 12 không thích học đại học mà muốn học nghề và đi làm sớm.
Từ lớp 11, Thư đã bắt đầu nghĩ đến việc không vào đại học vì thấy chị gái tốt nghiệp cử nhân bằng giỏi ngành Tâm lý học, nhưng cất bằng về làm công nhân trong khu công nghiệp. Thư càng có động lực theo đuổi ước mơ của mình khi cảm thấy yêu thích trang điểm.
“Em chứng kiến nhiều anh chị học chuyên ngành không phù hợp, không đúng sở thích, vỡ mộng, phải về quê xin làm công nhân tại khu công nghiệp kiếm tiền trang trải qua ngày. Vì vậy, em muốn đi học nghề” – Thư nói.
Còn Trần Quyết Chiến – sinh viên nghề Công nghệ ôtô, Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội lựa chọn cho mình lối đi từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Nam sinh cân nhắc những ưu điểm, nhược điểm giữa việc học đại học và học nghề, xác định được đam mê của mình từ sớm nên khẳng định đã đi đúng hướng.
“Điểm thi tốt nghiệp của em đủ sức để đỗ vào những trường đại học có đào tạo ngành em đang học. Tuy nhiên học cao đẳng chi phí thấp hơn, thời gian đào tạo ngắn, chúng em sẽ được thực hành nhiều nên ra trường có thể đi làm luôn. Gia đình rất ủng hộ quyết định này.
Em cảm thấy hài lòng với ngành học và trường học hiện tại. Em tin rằng, nếu bản thân tiếp tục nỗ lực sẽ nhanh chóng gặt hái được thành công” – Chiến nói.
Doanh nghiệp “khát” nhân lực
Trao đổi với Lao Động, TS Lê Danh Quang – Trưởng khoa Công nghệ ôtô, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho rằng, học nghề đang là xu hướng hiện nay. Phụ huynh, học sinh đã nhận thức đúng hơn về bản chất, mục đích của việc học nghề. Khi tìm hiểu về trường nghề, họ đã có định hướng công việc tương lai cho con em mình.
TS Quang phân tích, học nghề sinh viên sẽ được làm việc, thực hành nhiều, sau khi ra trường không phải mất thời gian làm quen với nghề. Nếu như sinh viên lựa chọn học liên thông lên đại học có thể vừa học vừa làm.
Nhiều ngành “hot” đang thiếu nhân lực như Công nghệ ôtô, Cơ khí, Chăm sóc sắc đẹp… được học sinh lựa chọn đăng ký rất nhiều. Thậm chí, có những doanh nghiệp “khát” nhân lực phải đặt hàng sinh viên ngay từ đầu vào.
Theo đó, doanh nghiệp tài trợ toàn bộ chi phí đào tạo, sinh viên được trực tiếp trải nghiệm, thực hành ở nhà máy, sau khi ra trường được nhận vào làm và trả mức lương cao.
Ông Khuất Huy Bằng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội cho hay, có rất nhiều sinh viên đạt điểm cao có thể đỗ đại học nhưng vẫn lựa chọn nghề. Thậm chí sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng quay lại học nghề bởi nhìn thấy ưu điểm của đào tạo nghề mang lại.
“Các ngành thế mạnh của trường như: Điện, Điện tử, Tin học, Cơ khí, Nấu ăn… đều tạo cơ hội việc làm rộng mở. Hiện tại, trường nghề liên kết với rất nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, các em được tạo cơ hội tham quan, học tập, thực tập trực tiếp, giúp tích lũy kiến thức, nâng cao tay nghề. Sau khi tốt nghiệp được nhận vào các doanh nghiệp, rất nhiều sinh viên thành công từ trường nghề” – ông Bằng chia sẻ.
Nguồn: Laodong.vn