Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, đào tạo đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu đặt ra, trực tiếp góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế là một trong những nội dung trọng tâm trong chiến lược phát triển trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.
Hợp tác với các tổ chức Quốc tế trong giáo dục là một phương cách hữu hiệu để nhà trường từng bước hiện thực hóa mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và trình độ. Công tác hợp tác rất đa dạng như: mời giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy, báo cáo; trao đổi tài liệu, giáo viên và sinh viên; thực hiện các dự án ODA; tổ chức Hội thảo, toạ đàm quốc tế; hỗ trợ kỹ thuật; liên kết đào tạo bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, liên kết đào tạo chuyển tiếp,… Đặc biệt, năm học 2023 – 2024, với sự hợp tác cùng các tổ chức/doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép: nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp.
Từ những cái “bắt tay” đến việc sinh viên được “hưởng lợi”:
Trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển; trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội tập trung đẩy mạnh liên kết/hợp tác với các đối tác/tổ chức giáo dục Quốc tế thông qua hàng loạt học bổng, chương trình, khóa học sát với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Bên cạnh những đối tác quen thuộc là Nhật Bản và Hàn Quốc, nhà trường không ngừng kết nối, mở rộng quan hệ song phương với nhiều tổ chức uy tín đến từ Cộng hòa Liên bang Đức, Australia, New Zealand, Viện Hợp tác và Phát triển châu Âu…
Trong khuôn khổ Đề án: “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai đào tạo thí điểm nghề trọng điểm cấp độ quốc tế chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức và Australia; Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội được lựa chọn tham gia đào tạo thí điểm các nghề: Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp và Thiết kế đồ họa (theo tiêu chuẩn Australia), nghề Công nghệ ô tô (theo tiêu chuẩn CHLB Đức). Qua đó, không chỉ giảng viên được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm ngắn hạn tại Đức và Australia mà nhà trường còn được tiếp nhận bộ chương trình đào tạo các nghề được chuyển giao với sự tư vấn, đánh giá từ các chuyên gia nước ngoài.
Đặc biệt, từ năm 2019, nhà trường đã liên kết với các Công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tiêu biểu như: Công ty TNHH Hanwha Aero Enginees (Tập đoàn Hanwha, Hàn Quốc) đào tạo nghề Cắt gọt kim loại. Những năm sau liên kết đào tạo các nghề: Điện công nghiệp (phối hợp cùng Công ty Carehome), nghề Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí (hợp tác cùng Daikin Việt Nam); liên kết đào tạo kỹ thuật viên thang máy dành cho sinh viên năm thứ nhất (hệ Cao đẳng). Chương trình đào tạo bao gồm những môn học bắt buộc của nhà trường và những module do phía Doanh nghiệp tự chọn. Rõ ràng, việc doanh nghiệp trực tiếp tham gia cùng các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo học sinh – sinh viên đã giúp “4 nhà”: người học, nhà trường, doanh nghiệp và xã hội cùng hưởng lợi. Thông qua sự hợp tác này, Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã tận dụng tốt sự hỗ trợ từ đối tác để xây dựng chương trình đào tạo thống nhất với bộ chuẩn nghề theo phương pháp tiếp cận năng lực, giúp người học có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết cho quá trình hội nhập thị trường lao động quốc tế.
Là cơ sở GDNN tiên phong trong đào tạo nghề chất lượng cao, nhà trường chú trọng xây dựng nhiều chương trình chuẩn quốc tế để nâng cấp chuẩn đầu ra. Trong đó, phải kể đến những hiệu quả thiết thực từ cái “bắt tay” với các tổ chức giáo dục Quốc tế của NewZealand, Hàn Quốc,… (HHT – Đại học Halla Hàn Quốc: Tiến tới hợp tác đào tạo kép hệ song bằng. Theo đó, hai bên cùng nhau thống nhất những nội dung chính trong việc đào tạo kép thông qua chương trình đào tạo, thời gian đào tạo. Trong đó, tập trung hợp tác trao đổi học liệu, giáo viên/giảng viên giảng dạy, chuyển đổi số và chia sẻ thông tin; xây dựng chương trình khung hệ song bằng (3+1 hoặc 2+2); thực hiện giáo dục và phát triển lấy học sinh làm trung tâm, tiến tới thống nhất chung về việc cấp bằng tốt nghiệp sau đào tạo cho học sinh/sinh viên).
SQV International hợp tác cùng HHT phát triển Phòng Thí nghiệm công nghệ số.
Năm 2023, thông qua Hội thảo: “Số hóa để chuyển đổi và phát triển bền vững” do SQV International và các đối tác trong hệ sinh thái phối hợp tổ chức tại Hà Nội, nhà trường đã thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo với SQV International nhằm hợp tác ứng dụng các giải pháp công nghệ của SQV vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0; hướng tới tăng cường hợp tác để phát triển Phòng Thí nghiệm công nghiệp số ở HHT.
Nhà trường sẽ xây dựng giáo trình đào tạo định hướng CMCN lần thứ 4 dưới sự hỗ trợ của SQV và phía Công ty SQV International sẽ hỗ trợ trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội phân tích, đánh giá giáo trình cũng như chương trình giảng dạy hiện tại so với quy chuẩn của giáo trình CMCN lần thứ 4; đề xuất chương trình trên cơ sở bổ sung các khóa đào tạo, môn học còn thiếu. Bên cạnh đó, phía đối tác sẽ trang bị các thiết bị và phần mềm tự động hóa, truyền động và các nội dung cần thiết khác.
HHT ký kết Biên bản ghi nhớ về việc tham gia cung ứng 14.000 lao động thuộc nhóm ngành: Cơ khí, Điện tử, CNTT cho Tập đoàn INVENTEC (Đài Loan), hướng tới việc thành lập Trung tâm hợp tác HHT – INVENTEC.
Đất nước đang mở cửa, chúng ta mời gọi đầu tư quốc tế nên giáo dục nghề nghiệp cũng phải theo hướng tiếp cận này. Các trường không thể chỉ dừng lại ở việc đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà phải hướng tới các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Do vậy, việc đẩy mạnh các chương trình hợp tác với các đối tác/tổ chức quốc tế đã và đang tạo nhiều chuyển biến tích cực tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội khi chất lượng đầu ra của các ngành học được nâng cao, cơ sở vật chất ngày càng phát triển.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua mô hình: “Hợp tác nhà trường với các tổ chức Quốc tế” đã giúp sinh viên nhà trường được hưởng lợi, mở ra nhiều cơ hội mới cho người học, giúp các em tự tin khi bước vào thị trường lao động và hội nhập Quốc tế./.
Trung tâm TS & GQVL./.