Khi đại học không là con đường duy nhất dẫn đến thành công, dù đủ điểm đỗ đại học, nhiều thí sinh đã không nhập học mà chuyển hướng chọn các lối đi khác.
Điểm cao nhưng không vào đại học
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khoảng 320.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học năm nay. Con số này chiếm gần một phần ba tổng số đã đăng ký.
Bạn Vũ Đức Mạnh (Vĩnh Phúc) – học sinh đạt 26,25 điểm khối C tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2022 (trong đó môn Lịch sử đạt 10 điểm) đã lựa chọn học nghề tại Khoa Công nghệ ôtô – Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.
Đức Mạnh chia sẻ: “Em nghĩ đại học không phải cánh cửa duy nhất cho các thí sinh. Chọn cho mình một nghề, nắm chắc nghề trong tay thì sau khi ra trường không lo thất nghiệp. Anh họ em cũng từng học ở nghề và giờ đã là chủ của một cơ sở kinh doanh. Em có niềm tin chúng em sẽ thành công trong tương lai với tay nghề vững, có kĩ năng nghề và các kĩ năng khác”.
Trong khi đó, Nguyễn Quang Thành, (Lào Cai) thi tốt nghiệp THPT được 24,1 điểm cũng từ chối xét tuyển đại học. “Nếu học đại học thì thời gian lâu hơn, học phí cao hơn. Gia đình em không khá giả, em lo ba mẹ sẽ nặng gánh về tài chính khi em đi học đại học. Em cũng thấy nhiều người không học đại học nhưng chịu khó học hỏi, chắc tay nghề vẫn thành công”, Thành bày tỏ.
Có niềm yêu thích, say mê hiểu về ô tô, nam sinh cũng cho biết em chọn ngành công nghệ kỹ thuật ô tô tại một trường nghề tại tỉnh nhà để theo học. Việc này giúp Quang Thành gần gia đình, đỡ được các chi phí như thuê trọ, điện, nước…
Trường nghề vẫn “khát” sinh viên
Theo ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trưởng Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội, năm học 2022-2023, nhà trường đã tuyển được khoảng 600 sinh viên, số sinh viên được tuyển năm nay hầu hết đủ điểm đỗ vào đại học. Những sinh viên đạt 25-26 điểm thi tốt nghiệp THPT vào học tại trường không ít.
Về việc năm nay, nhiều thí sinh đỗ đại học nhưng không nhập học, ông Ngọc cho rằng: Thứ nhất, một số thí sinh đã nộp hồ sơ vào các trường nghề thay vì chọn học đại học. Thứ hai, sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các quốc gia có dân số già tăng mạnh, do đó xuất khẩu lao động là một trong những lựa chọn của các thí sinh.
Thứ ba, việc đi du học đã được định hướng từ trước khi các thí sinh thi tốt nghiệp THPT, đây chỉ là một trong những điều kiện cần có để các em đi du học. Thứ tư, nhu cầu tuyển dụng nhân lực trẻ tại các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tăng mạnh. Theo đó lao động chỉ cần đủ 18 tuổi trở lên là có thể đi làm, không cần bằng cấp. Các doanh nghiệp này trả mức lương từ 6 – 7 triệu đồng/tháng thu hút học sinh tốt nghiệp cấp 3 đi làm luôn. Bên cạnh đó, hiện nay tinh thần khởi nghiệp của nhân lực trẻ khá cao, nhiều học sinh chọn cách làm kinh tế sớm thay vì tiếp tục con đường học tập.
Theo ông Phạm Xuân Khánh – Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, ngôi trường này đã đón khoảng 1.200 sinh viên nhập học, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 1.500 sinh viên. Như vậy, số sinh viên cần tuyển thêm là 300.
Cũng theo ông Khánh, năm học 2021, khoảng 87% sinh viên của trường đã tốt nghiệp có việc làm, mức lương thấp nhất đạt từ 6 triệu đồng/tháng, cao nhất đạt 17 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tìm đến nhà trường để tuyển dụng nhân lực luôn “khát” lao động thuộc nhóm ngành cơ khí.
“Tuyển sinh viên vào trường nghề đã khó, tuyển sinh viên học nghề cơ khí càng khó hơn. Số lượng sinh viên đăng ký ngành này càng ngày càng ít. Vì vậy nhân lực để trường cung cấp cho các doanh nghiệp tuyển lao động ngành cơ khí cũng thiếu trầm trọng”, ông Khánh bày tỏ.
Tổng hợp số liệu từ Tổng cục Thống kê, 181 trường đại học và 40 cao đẳng, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết năm 2019, hơn 3% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và 2,8% cử nhân đại học thất nghiệp, trong khi trung cấp chỉ 1,1% và người chưa từng đi học 1,5%.
Nguồn: Báo Điện tử Lao động (laodong.vn)
Xem Tin gốc Tại đây.