DNTH: Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu rộng với hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước để giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường. Đặc biệt, Nhà trường rất chú trọng tới việc phát triển thành cơ sở đào tạo nghề thông minh 4.0 đó là tính liên minh, liên kết không giới hạn giữa các Khoa đào tạo trong nhà trường như khoa Công nghệ Thông tin, Cơ khí, Điện – Điện tử, Ô tô…. để giáo dục nghề nghiệp luôn gắn liền với thực tiễn, theo kịp nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng công nghệ cao hiện nay.
Trước yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và tiến bộ của KHCN và hội nhập quốc tế cũng như những tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0; ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; ngày 04/5/2017, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong Chỉ thị đã nêu rõ các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho tất cả các Bộ, ngành, địa phương để tổ chức triển khai thực hiện, cụ thể đối với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ: “Đổi mới đào tạo, dạy nghề trong hệ thống các trường đào tạo nghề theo hướng phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp có kỹ năng phù hợp có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác và vận hành hiệu quả, những tiến bộ công nghệ của Cách mạng công nghiệp thứ lần tư; Nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới cơ cấu thị trường lao động, an sinh xã hội…”.
Một trong những giải pháp Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện là phải thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp cận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông; đẩy mạnh tự chủ đại học, dạy nghề; thí điểm quy định đào tạo nghề, đào tạo đại học đối với một số ngành đặc thù. Biến thách thức dân số cùng giá trị dân số vàng thành lợi thế trong hội nhập và phân công lao động quốc tế.
Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho sinh viên
Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu, rộng với hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước để giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường; để sinh viên có thêm địa điểm để học thực hành, thực tập; đào tạo bồi dưỡng giáo viên; phát triển chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất; hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ; liên kết đào tạo, công nhận văn bằng, chứng chỉ… đóng góp hiệu quả vào chất lượng đào tạo.
Những hợp tác này đã tạo ra nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả như: Công ty Proaim (Nhật Bản) đã cùng khoa Điện-Điện tử xây dựng Trung tâm Nghiên cứu năng lượng tái tạo, vừa sản xuất điện năng lượng mặt trời để cung cấp cho đào tạo vừa nghiên cứu phát triển các năng lượng sạch; Công ty Megazon (Hàn Quốc) kết hợp với khoa CNTT để xây dựng trung tâm CNTT HHT-MEGAZON vừa tổ chức đào tạo cho sinh viên vừa sản xuất phần mềm để thương mại; Tập đoàn Wasserkabel – CHLB Đức tài trợ hệ thống điều hòa không khí để sinh viên được học tập công nghệ điều hòa nhiệt độ mới của Đức; hợp tác với Hiệp hội Thang máy Việt Nam và Hãng GAMA LIFT thành lập trung tâm đào tạo kỹ thuật thang máy, hợp tác với Hãng Daikin thành lập trung tâm đào tạo kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí.
Nhiều chương trình hợp tác đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, người học được trả lương, trả toàn bộ chi phí đào tạo ngay khi vào học như chương trình hợp tác với Tập đoàn Hanwha-Hàn Quốc để đào tạo 800 kỹ thuật viên cho Tập đoàn và nhiều chương trình hợp tác đào tạo tương tự với các tập đoàn AGRIMECO, HOMECARE, PMC, PMTT…
Hợp tác giữa Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và Tập đoàn Hitachi
Ngày 17/5/2021, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã chính thức ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư Phòng thí nghiệm công nghiệp 4.0 với Tập đoàn Hitachi-tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới là một bước tiến vượt bậc thể hiện chiến lược phát triển bền vững của Nhà trường trong hợp tác với doanh nghiệp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy nghề và học nghề. Đặc biệt chú trọng tới yếu tố then chốt phát triển nhà trường thành cơ sở đào tạo nghề thông minh 4.0 đó là tính liên minh, liên kết không giới hạn giữa các Khoa đào tạo trọng nhà trường như khoa Công nghệ Thông tin, Cơ khí, Điện – Điện tử, Ô tô…. để giáo dục nghề nghiệp luôn gắn liền với thực tiễn, theo kịp nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng công nghệ cao hiện nay.
Trong chương trình hợp tác này, Tập đoàn Hitachi sẽ cung cấp các thiết bị cùng phần mềm tự động hóa và truyền động, bản quyền phần mềm quản lý Vòng đời Sản phẩm (Product Lifecycle Management, gồm có NX, Teamcenter, Technomatix….) và các nội dung cần thiết khác của chương trình giáo dục và đào tạo công nghệ 4.0. Đồng thời Hitachi sẽ hỗ trợ đào tạo cho các giảng viên HHT có thể tiếp cận và sử dụng thành thạo các thiết bị và phần mềm trong phòng thí nghiệm thông minh này. Đây đều là những thiết bị và giải pháp đào tạo hiện đại hàng đầu trên thế giới được sử dụng để thiết kế các sản phẩm tân tiến nhất hiện nay như Máy bay, ô tô, tàu thủy, thiết bị điện tử công nghệ cao…
NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh – Phụ trách Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết: “Phòng thí nghiệm công nghiệp số 4.0 này thực sự giúp nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường cũng như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác về các công nghệ mới nhất của thế giới. Sinh viên được tham gia học tập tại đây sẽ được nâng cao cả về kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ vào các hoạt động sản xuất thực tế, từ đó giúp các em dễ dàng tiếp cận với công việc và các giải pháp ứng dụng công nghệ cao trên thế giới và có cơ hội thiết kế, chế tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ hoàn chỉnh ngay trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp FDI của các em cũng sẽ được tăng cao.
Ngoài ra, phòng thí nghiệm này sẽ giúp đào tạo lại, đào tạo nâng cao về công nghệ mới cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia, kỹ thuật viên trong các nhà máy, công ty trong các khu công nghiệp, chế xuất, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc cho các doanh nghiệp.”
Nhờ sự đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, tính đến thời điểm hiện tại, 100% học sinh, sinh viên của trường đều được giới thiệu việc làm. Với phương châm “tuyển sinh là tuyển dụng”, mặc dù có số lượng tuyển sinh đầu vào đông, nhưng đầu ra vẫn đảm bảo hơn 95% sinh viên tốt nghiệp, 85% sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp và 97% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 3 tháng, với thu nhập bình quân từ 7-15 triệu đồng/người/tháng. Đây chính là những con số biết nói, minh chứng cho sự nỗ lực của Nhà trường, góp phần tạo dựng niềm tin của các doanh nghiệp đối với đơn vị.