Kinhtedothi – Việc trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chính thức ký Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai Dự án Phòng Thí nghiệm Công nghiệp số 4.0 với Hitachi Systems Việt Nam (Tập đoàn Hitachi – tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới) là một bước tiến vượt bậc nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy nghề và học nghề.
Giờ thực hành của sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải |
Ngày 4/11/2013 Hội nghị T.Ư 8 khóa XI của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khoá XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; ngày 04/5/2017, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong Chỉ thị đã nêu rõ các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho tất cả các Bộ, ngành, địa phương để tổ chức triển khai thực hiện, cụ thể đối với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ:
“Đổi mới đào tạo, dạy nghề trong hệ thống các trường đào tạo nghề theo hướng phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp có kỹ năng phù hợp có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác và vận hành hiệu quả, những tiến bộ công nghệ của Cách mạng công nghiệp thứ lần tư; Nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới cơ cấu thị trường lao động, an sinh xã hội…”.Một trong những giải pháp Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện là phải thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục dạy nghề. Điều này nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp cận các xu thế công nghệ sản xuất mới.Trong đó, Hà Nội với tư cách là thành phố tập trung các viện nghiên cứu, các trường đại học cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông. Các cơ sở giáo dục trong đó trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (HHT) cần đẩy mạnh tự chủ trong việc dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và các địa phương.Với tư cách là nhà trường đi đầu trong ứng dụng công nghệ trong việc dạy và học, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cần đổi mới công tác đào tạo nghề, đào tạo đại học đối với một số ngành đặc thù. Tận dụng lợi thế của mình để khẳng định tên tuổi, đẳng cấp của một trường cao đẳng nghề.
Bắt tay, hợp tác với doanh nghiệp
Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu, rộng với hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc hợp tác đã cơ bản giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường; để sinh viên có thêm địa điểm học thực hành, thực tập; đào tạo bồi dưỡng giáo viên; phát triển chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất; hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ; liên kết đào tạo, công nhận văn bằng, chứng chỉ… đóng góp hiệu quả vào chất lượng đào tạo.Đến nay đã có khá nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả như sự hợp tác giữa khoa Điện – Điện tử với Công ty Proaim (Nhật Bản) để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu năng lượng tái tạo, sản xuất điện năng lượng mặt trời để phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu phát triển các năng lượng sạch; Công ty Megazon (Hàn Quốc) kết hợp với khoa CNTT để xây dựng trung tâm CNTT HHT-MEGAZON vừa tổ chức đào tạo cho sinh viên, vừa sản xuất phần mềm để thương mại; Tập đoàn Wasserkabel-CHLB Đức tài trợ hệ thống điều hòa không khí để sinh viên được học tập công nghệ điều hòa nhiệt độ mới của Đức, hợp tác đào tạo với tổ chức New Zealand Skills để công nhận kỹ năng và sinh viên ra trường có thể đi làm việc tại New Zealand…Đặc biệt, các chương trình hợp tác đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, người học được trả lương, trả toàn bộ chi phí đào tạo ngay khi vào học như chương trình hợp tác với Tập đoàn Hanwha – Hàn Quốc để đào tạo 800 kỹ thuật viên cho Tập đoàn; hợp tác với Hiệp hội Thang máy Việt Nam và Hãng GAMA LIFT thành lập trung tâm đào tạo nhân lực kỹ thuật thang máy cho Hiệp hội, hợp tác với Hãng Daikin thành lập trung tâm đào tạo kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí cho Hãng và nhiều chương trình hợp tác đào tạo tương tự với các tập đoàn AGRIMECO, HOMECARE, PMC, PMTT…
Hợp tác với Hitachi Syst – cú nhảy vọt
Ngày 17/5/2021, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã chính thức ký Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai Dự án Phòng Thí nghiệm Công nghiệp số 4.0 với Hitachi Systems Việt Nam (Tập đoàn Hitachi – tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới).Việc hợp tác này hướng tới việc phát triển nhà trường thành cơ sở đào tạo nghề thông minh 4.0. Phòng Thí nghiệm Công nghiệp số 4.0 sẽ liên minh, liên kết không giới hạn giữa các Khoa đào tạo trọng nhà trường như khoa Công nghệ Thông tin, Cơ khí, Điện – Điện tử, Ô tô… Điều này giúp cho giáo dục nghề nghiệp luôn gắn liền với thực tiễn, theo kịp nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng công nghệ cao hiện nay.Biên bản ghi nhớ đã được ký bởi NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh – Phụ trách trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và các đại diện của Tập đoàn Hitachi gồm: Ông Aminder Singh – Giám đốc Giải pháp kỹ thuật Tập đoàn Hitachi Sunway, ông Tay Cho Hup – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hitachi Systems Việt Nam và TS Nguyễn Hoàng Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Hitachi Systems Việt Nam.Trong chương trình hợp tác này, Tập đoàn Hitachi sẽ cung cấp các thiết bị và phần mềm tự động hóa và truyền động, bản quyền phần mềm quản lý Vòng đời Sản phẩm (Product Lifecycle Management, gồm có NX, Teamcenter, Technomatix….) và các nội dung cần thiết khác của chương trình giáo dục và đào tạo công nghệ 4.0.Với đội ngũ chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm,
Hitachi Systems Việt Nam và Siemens cam kết sẽ đóng góp những giải pháp phần mềm tối ưu, hiện đại nhất với kỳ vọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong thời kỳ Việt Nam hội nhập, tham gia vào cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 trên thế giớiĐồng thời, Hitachi sẽ hỗ trợ đào tạo cho các giảng viên HHT có thể tiếp cận và sử dụng thành thạo các thiết bị và phần mềm trong phòng thí nghiệm thông minh này. Đây đều là những thiết bị và giải pháp đào tạo hiện đại hàng đầu trên thế giới được sử dụng để thiết kế các sản phẩm tân tiến nhất hiện nay như máy bay, ô tô, tàu thủy, thiết bị điện tử công nghệ cao…
Phòng Thí nghiệm Công nghiệp số 4.0 sẽ giúp sinh viên nhà trường dễ dàng tiếp cận với công việc và các giải pháp ứng dụng công nghệ cao trên thế giới. Tại đây các em sẽ có cơ hội được thiết kế, chế tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ hoàn chỉnh ngay trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi bắt nhịp sớm với ứng dụng công nghệ thì cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp FDI sau khi ra trường sẽ được tăng cao. Đóng góp thiết thực vào việc nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.Không chỉ phục vụ thầy và trò HHT, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác của Hà Nội được tiếp cận các công nghệ mới, tiên tiến nhất của thế giới mà Phòng thí nghiệm này còn giúp đào tạo lại, đào tạo nâng cao về công nghệ mới cho đội ngũ kỹ sư, chuyên gia, kỹ thuật viên các nhà máy, công ty trên địa bàn Hà Nội. Đây là “cú bắt lịch sử” góp phần nâng cao chất lượng cho đội ngũ sinh viên, công nhân lành nghề, kỹ sư, chuyên gia tại các nhà máy, khu công nghiệp Hà Nội.