“Mục tiêu phấn đấu đến năm 2023 thu hút 50 – 55% học sinh Trung học vào hệ thống Giáo dục nghề nghiệp (GDNN),…” – đó là một trong những nội dung chính được nêu bật tại: “Chỉ thị số 21 – CT/TW” được Ban Bí thư (BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) ban hành vào ngày 04/5/2023 về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng hội nhập sâu rộng, yêu cầu được Đảng và Nhà nước đặt ra là phải tăng nhanh số lượng lao động được đào tạo, đặc biệt chú trọng đào tạo nghề, đảm bảo cơ cấu đào tạo hợp lý giữa Đại học và Giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Trong đó, mỗi người học sẽ đóng vai trò quyết định, thông qua sự lựa chọn nghề nghiệp của mình.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn Quốc tế; đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động là sứ mệnh của trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Với mục tiêu đó, nhà trường đã đạt được những kết quả khả quan, mang lại lợi ích cho “bốn nhà”: người học, nhà trường, nhà tuyển dụng và xã hội.
Doanh nghiệp đặt Trung tâm đào tạo tại cơ sở GDNN:
Một trong những khâu đột phá, thể hiện sự vào cuộc của Doanh nghiệp trong đào tạo nghề là việc các doanh nghiệp đặt Trung tâm đào tạo tại các cơ sở GDNN và trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội là một “điển hình”.
Tiêu biểu Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) đã phối hợp cùng Gama Service – đơn vị dịch vụ kỹ thuật thang máy cao cấp của GamaLift quyết định thành lập Trung tâm đào tạo ngành Kỹ thuật thang máy tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Trung tâm trực thuộc trường, do nhà trường trực tiếp quản lý, thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh và đào tạo kỹ thuật thang máy. Hiệp hội Thang máy Việt Nam đóng vai trò hoạch định về phương hướng đào tạo và Gama Service sẽ thực hiện các hoạt động chuyên môn, thực tiễn của ngành kỹ thuật thang máy. Sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật thang máy thuộc Trung tâm sẽ có cơ hội làm việc tại GamaLift, Gama Service, các công ty lắp đặt thang máy, công ty dịch vụ thang máy trong và ngoài nước, các công ty quản lý tòa nhà mảng thang máy hoặc tự do hành nghề trong lĩnh vực này.
Đây là mô hình thiết thực để kết nối nguồn lao động với thị trường thủ đô và cả nước, tạo điều kiện cho sinh viên ra trường không phải khó khăn tìm kiếm việc làm và các doanh nghiệp cũng thuận lợi để tìm ứng viên tay nghề đáp ứng được yêu cầu công việc. Rõ ràng, sự bắt tay giữa Nhà trường – Doanh nghiệp thông qua việc trao đổi chương trình giảng dạy, giáo viên; hỗ trợ trang thiết bị học tập; doanh nghiệp đưa người học đi thực hành, thực tập; hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp cho sinh viên sau tốt nghiệp,… đã mang lại lợi ích không chỉ cho người học mà cả doanh nghiệp, nhà trường và xã hội.
Thông qua việc xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu rộng với hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước, trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã trở thành một trong những cơ sở GDNN đi đầu cả nước khi giải quyết hiệu quả mục tiêu kép: nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên.
Ở một khía cạnh khác, một số doanh nghiệp sẵn sàng trả chi phí để được ưu tiên tuyển dụng lao động tại các cơ sở GDNN. Việc doanh nghiệp chịu toàn bộ chi phí đào tạo để sau 2 – 3 năm sẽ tuyển dụng được nguồn lao động đáp ứng đúng yêu cầu chính là giải pháp được phía doanh nghiệp/Công ty đang thực hiện và hướng đến.
Khắc phục “độ vênh” giữa Nhà trường và Doanh nghiệp:
Trong những năm vừa qua, thực tế cho thấy, tỉ lệ sinh viên tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội có việc làm sau tốt nghiệp chiếm từ 98 – 100% (có nhiều nghề không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của Doanh nghiệp).
Cùng với việc nâng cao các kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên ngành theo tiêu chuẩn quốc tế. Một trong những bước đi hiệu quả, thiết thực của trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội trong việc hạn chế sinh viên ra trường rơi vào tình trạng thất nghiệp đó là: nhà trường đã chọn cho mình lối đi riêng khi chủ động “bắt tay” chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt hơn, Ban giám hiệu nhà trường thực hiện việc cam kết bằng văn bản – đảm bảo 100% HSSV đạt chuẩn đầu ra có việc làm hoặc có thể tự tạo việc làm với mức thu nhập từ 7 – 20 triệu/tháng.
Đặc biệt, từ năm 2019, Công ty TNHH Hanwha Aero Enginees (Tập đoàn Hanwha, Hàn Quốc) và nhà trường liên kết đào tạo nghề Cắt gọt kim loại. Những năm sau liên kết đào tạo các nghề: Điện công nghiệp (phối hợp cùng Công ty Carehome), nghề Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí (hợp tác cùng Daikin Việt Nam); liên kết đào tạo kỹ thuật viên thang máy dành cho sinh viên năm thứ nhất (hệ Cao đẳng). Chương trình đào tạo bao gồm những môn học bắt buộc của nhà trường và những module do phía Doanh nghiệp tự chọn. Rõ ràng, việc doanh nghiệp trực tiếp tham gia cùng các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo học sinh – sinh viên đã giúp “4 nhà”: người học, nhà trường, doanh nghiệp và xã hội cùng hưởng lợi.
Thời gian học tập ngắn, học phí thấp, cùng lúc sinh viên có thể tham gia nhiều chương trình đào tạo; khả năng ứng dụng nghề nghiệp vào thực tiễn cao,….những lợi ích thiết thực của GDNN qua góc nhìn trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội chắc chắn sẽ mang lại cho học sinh thêm cái nhìn đa chiều trước ngưỡng cửa: “chọn nghề, chọn tương lai”./.
Trung tâm TS&GQVL./.