Hiện nay, chương trình đào tạo 9+ đang được triển khai khá nhiều tại các trường nghề. Điểm cộng của chương trình này là người học vừa hoàn thành chương trình Trung học phổ thông vừa lấy được bằng Trung cấp, Cao đẳng – Đại học trong thời gian ngắn và sớm gia nhập thị trường lao động. Chương trình 9+ còn giúp giải quyết khó khăn trong khâu phân luồng, giảm tải tình trạng thừa thầy thiếu thợ, thất nghiệp sau khi tốt nghiệp vì thiếu kỹ năng, không đáp ứng được công việc thực tế…
Trong ba, bốn năm trở lại đây; mô hình đào tạo 9+ được một số trường thuộc hệ thống Giáo dục nghề nghiệp áp dụng, bước đầu đã có những kết quả khả quan. Không chỉ thể hiện mạnh mẽ đặc điểm phân luồng, hướng nghiệp; mô hình 9+ đáp ứng được nguyện vọng của người học: vừa có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, vừa có bằng Trung cấp hoặc Cao đẳng cùng một lúc.
Với trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, những năm gần đây, số lượng học sinh đăng kí theo học hệ 9+ ngày càng gia tăng với tổng số học sinh hiện có là 918. Điều đó minh chứng cho chất lượng đào tạo của nhà trường cũng như nhận thức của xã hội về học nghề đã thay đổi.
Thành công không đợi tuổi!
Là 2 học sinh học hệ 9+ tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (học sinh lớp 11c7 hệ văn hóa, lớp Trung cấp nghề Sửa chữa và Lắp ráp máy tính K11); Nguyễn Đắc Huynh và Phạm Đình Mạnh Quân đã đạt được những kết quả đáng tự hào ngay khi theo học năm đầu tiên tại trường. Với thành tích giành giải Nhất Kỳ thi tay nghề TP Hà Nội, HCĐ tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia năm 2020 (Nguyễn Đắc Huynh) và giải Ba tại Kỳ thi tay nghề TP Hà Nội, Chứng chỉ nghề xuất sắc tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia năm 2020 (Phạm Đình Mạnh Quân) nghề: Lắp cáp mạng thông tin; 2 em là những “tấm gương sáng”, điển hình cho sự thành công khi theo học mô hình đào tạo 9+.
2 học sinh hệ 9+: Nguyễn Đắc Huynh và Phạm Đình Mạnh Quân.
Chia sẻ với chúng tôi, Nguyễn Đắc Huynh cho biết: “Sau khi học hết THCS, em không đăng kí dự thi vào THPT mà đăng kí theo học hệ 9+ tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội vì tại đây em vừa được học văn hóa, vừa được học nghề; sẽ giúp thời gian học tập của em được rút ngắn; tiết kiệm chi phí cho ba mẹ. Hơn hết, em sẽ được theo học 1 nghề do chính mình lựa chọn để sớm lập thân, lập nghiệp”. Với Phạm Đình Mạnh Quân: “Em học văn hóa không giỏi nên xác định hết chương trình học THCS, em sẽ học nghề. Thật may, khi đăng ký theo học tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, hệ 9+ giúp e được học song song cả văn hóa và nghề. Em sẽ tiếp tục học Cao đẳng tại trường sau khi hoàn thành hệ Trung cấp”.
Đạt giải tại Kỳ thi tay nghề TP Hà Nội và Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia năm 2020 khi các em mới chỉ 16 tuổi. Điều đó khẳng định: “Thành công không đợi tuổi”. Hai em chỉ là “điển hình” trong số những em đạt thành tích khi theo học hệ 9+ tại trường. Rõ ràng, ưu việt của mô hình 9+ đã giúp cho các em học sinh “tiệm cận” được với thị trường lao động sớm hơn và thành công sớm hơn.
Cơ sở đào tạo nghề chất lượng củng cố niềm tin:
10 năm trước, học nghề được gắn mác là nơi dành cho người “rớt đại học”. Thế nhưng, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học có việc làm ít hơn so với số học nghề trong những năm gần đây, học nghề và đặc biệt là học hệ 9+ đang là lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa lập thân, lập nghiệp.
Qua nhiều năm, những tấm gương thành công không qua con đường Đại học cũng là yếu tố then chốt tạo niềm tin cho học sinh và phụ huynh. Nguyễn Đắc Huynh (học sinh hệ 9+, giải Nhất Kỳ thi tay nghề TP Hà Nội 2020, HCĐ Kỳ thi Kĩ năng nghề Quốc gia năm 2020 nghề Lắp cáp mạng thông tin) chia sẻ: “Với em, thành công hiện tại không phải là thành tích ở các cuộc thi, không phải sự kiêng nể của bạn bè, không hẳn là sự tự hào của bản thân và gia đình, thầy cô… mà chính là bản thân đã chọn đi đúng hướng, thay đổi tư duy đúng thời điểm”. Riêng Phạm Đình Mạnh Quân khẳng định: “Cơ sở đào tạo nghề chúng em đang theo học – Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội củng cố niềm tin rằng chúng em sẽ thành công trong tương lai với tay nghề vững chắc, có kĩ năng nghề và các kĩ năng khác đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Em nhận thức rõ rằng Đại học không phải là cánh cửa duy nhất để vào đời, thay vào đó từ rất sớm, sau THCS, em đã mạnh dạn chọn học một nghề mà mình yêu thích. Bởi em tin rằng, có nghề sẽ có tương lai”.
Thực tế, với nhiều phương thức học tập đa dạng cùng các chính sách khuyến khích công tác học nghề như hiện nay của Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo; các hướng rẽ cho học sinh sau Trung học cơ sở đã từng bước mang lại sự tin tưởng và an tâm rất nhiều cho phụ huynh lẫn học sinh. Với 2 tấm gương thành công sớm trong việc lựa chọn mô hình đào tạo 9+ tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội một lần nữa khẳng định: con đường thành công không mang tên Đại học và lựa chọn học 9+ đang là lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa lập thân, lập nghiệp.
Hằng Nga/Trung tâm TS&GQVL./.