Ngày 26/1, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) đã tổ chức Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 2020 – 2025)
Đại hội đã bầu và ra mắt Ban Chấp hành khóa II, nhiệm kỳ 2020 – 2025 gồm 30 người. Chủ tịch Hiệp hội là ông Nguyễn Hoàng – Đại biểu HĐND TP Hà Nội (nhiệm kỳ 2016 – 2021), Ủy viên Ban Chấp hành VCCI, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn N&G (N&G GROUP), Chủ tịch HANSIBA khóa I (nhiệm kỳ 2014 – 2019); Phó Chủ tịch gồm 9 người.
NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh – Bí thư Đảng ủy- Phụ trách trường Cao Đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội vinh dự được bầu làm Phó Chủ tịch HANSIBA khóa II
Theo báo cáo của HANSIBA, kể từ khi thành lập, với số lượng ban đầu hơn 50 hội viên sáng lập, đến nay, HANSIBA đã phát triển, kết nạp thêm gần 150 DN hội viên, nâng tổng số lên hơn 200. Đặc biệt, có hơn 100 DN đã, đang sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và CNHT cho công nghệ cao như: Cơ khí chế tạo; Điện – Điện tử; CNHT cho CNC; Dệt may – nguyên phụ liệu ngành Dệt – May da giầy; sản xuất cung ứng các sản phẩm phụ trợ cho các ngành công nghiệp chủ lực…
Các DN thành viên đã cung ứng được cho những Tập đoàn đa quốc gia lớn cùng các DN FDI đã có mặt tại Việt Nam như: Canon, Samsung, Toyota, Yamaha, Honda, Ford… và cung cấp trực tiếp cho các đối tác tại châu Âu – Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc – Đài Loan… Hoạt động Hiệp hội tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác, ký kết thỏa thuận với nhiều tổ chức quốc tế, DN lớn trong nước như: Tập đoàn sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ ONAGA – Nhật Bản, Generpro và Hiệp hội dập đúc vùng KOBE – Nhật Bản, VNPT Technology; VinFAST; SUNHOUSE; B-Phone BKAV group; AMMACAO group…
Lễ ra mắt BCH – Đại hội hiệp hội Doanh nghiệp – ngành Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội – Lần thứ II – Nhiệm kỳ 2020 – 2025
Về phương hướng nhiệm vụ trong 5 năm tới, Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Hoàng cho biết, Hiệp hội sẽ tuyên truyền và phối hợp cùng các DN hội viên thực hiện 17 tiêu chí Phát triển bền vững; tập trung cụ thể hóa phát triển các DN với số lượng lên tới 500 hội viên trực tiếp sản xuất các sản phẩm CNHT và CNHT cho công nghệ cao; củng cố về “chất” của DN hội viên để có thể trực tiếp sản xuất cung cấp sản phẩm CNHT và công nghệ cao cho các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam và sớm hội nhập vào chuỗi sản xuất CNHT ASEAN và toàn cầu. Tập trung vào cơ khí chế tạo cho ngành ô tô, điện tử và công nghiệp quốc phòng, dân sinh…
Với trọng trách Phó chủ tịch hiệp hội HANSIBA nhiệm kỳ II, NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh đã chia sẻ:
Bản thân sẽ chịu trách nhiệm gắn kết, hợp tác chặt chẽ giữa Hiệp hội HANSIBA với các cơ sở đào tạo, đặc biệt là Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội để đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong Hiệp hội, góp phần phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô.
– HHT luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội vào hoạt động để phát triển nhà trường.
Sau 10 năm đi vào hoạt động, trường Cao đẳng nghề công nghệ Cao Hà Nội đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với hơn 400 các trường Đại học, cao đẳng, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội trong và ngoài nước để giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường; làm cơ sở cho sinh viên học thực hành, thực tập; hợp tác nghiên cứu, sản xuất sản phẩm; huy động đội ngũ chuyên gia giảng dạy của doanh nghiệp; công nhận bằng cấp, chứng chỉ…Hàng năm nhà trường được tiếp nhận tài trợ học bổng và trang thiết bị hỗ trợ cho đào tạo lên đến hàng tỷ đồng, đóng góp rất lớn vào chất lượng đào tạo.
Thông qua những hợp tác này, 100% sinh viên HHT hàng năm được đi thực tập tại doanh nghiệp, trong đó trên 30% sinh viên đã được tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp và được doanh nghiệp trả lương, nhà trường cũng được DN trả chi phí. Các mô hình hoạt động hiệu quả như: Công ty Texas Instruments của Mỹ cung cấp thường xuyên linh kiện điện tử cho sinh viên học tập; Công ty Proaim (Nhật Bản) đã cùng khoa Điện-Điện tử xây dựng Trung tâm Nghiên cứu năng lượng tái tạo, vừa sản xuất điện năng lượng mặt trời để cung cấp cho đào tạo vừa nghiên cứu phát triển các năng lượng sạch; Tập đoàn Wasserkabel – CHLB Đức tài trợ cho khoa Điện-Điện tử hệ thống điều hòa không khí để sinh viên được học tập công nghệ điều hòa nhiệt độ công nghệ mới của Đức…
Từ năm học 2019-2020 đến nay, đã có nhiều đơn đặt hàng đào tạo với hàng ngàn chỉ tiêu theo nhu cầu của doanh nghiệp với nhà trường, như các Tập đoàn, Công ty: HANWHA, AGRIMECO, PMC-VNPT, CAREHOME, PMTT…Sinh viên tham gia chương trình này được doanh nghiệp chi trả 100% chi phí đào tạo, được trả lương ngay từ khi vào học. Nổi bật là chương trình hợp tác đào tạo giữa nhà trường với Tập đoàn Hanwha 800 kỹ sư thực hành chuyên sản xuất động cơ máy bay từ năm 2019 đến năm 2024.
Nhiều hợp đồng hợp tác nghiên cứu sản xuất sản phẩm đã được triển khai thực hiện như hợp đồng với Viện nghiên cứu sáng chế, Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp KHCN-Bộ KHCN, các hợp đồng về sản xuất khuôn mẫu,…Trong đó nỗi bật là Hợp đồng về Nghiên cứu sản xuất Dây chuyền sản xuất gạch không nung với Công ty Đức Thành, vừa đào tạo sinh viên tại doanh nghiệp vừa sản xuất sản phẩm xuất khẩu với Tập đoàn PMTT…
Hiệu trưởng HHT tham dự ký kết hợp tác với các doanh nghiệp tại hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động năm 2019.
–Về giải quyết việc làm: Từ năm 2018, thực hiện chủ trương “tuyển sinh là tuyển dụng”, ký hợp đồng đào tạo với sinh viên và phụ huynh với mục tiêu “100% sinh viên đạt chuẩn đầu ra có việc làm và có thể tự tạo việc làm”với thu nhập từ 5-15 triệu đồng/tháng. Nhiều nghề như điện, điện tử, điện lạnh, cơ khí, hàn, chăm sóc sắc đẹp 100% sinh viên có việc làm trước khi ra trường, không đủ nhu cầu cho các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã đến tuyển dụng trước 06 tháng với nhiều sự lựa chọn công việc và mức lương hấp dẫn, điều kiện làm việc và cơ hội thăng tiến cao. Một số doanh nghiệp đã trả chi phí để được ưu tiên tuyển dụng sinh viên, có doanh nghiệp sinh viên HHT chiếm trên 80% tổng số lao động như Tập đoàn PMTT GROUP,…
– Về hoạt động thi tay nghề : Sinh viên Nhà trường luôn dẫn đầu cả nước về số lượng thí sinh đạt giải cao trong các Hội thi tay nghề TP Hà Nội, Quốc gia, Asean và thế giới và giải thưởng đạt được tăng dần theo từng năm. Cụ thể, SV Nhà trường đã đạt 56 giải Nhất, 55 giải Nhì và hàng trăm giải Ba tại 07 kỳ thi tay nghề Thành phố; 34 giải Nhất, 14 giải Nhì và 16 giải Ba tại 05 kỳ thi tay nghề Quốc gia; 04 lần tham dự Hội thi Kỹ năng nghề ASEAN các SV Nhà trường đã giành được 05 HCV, 01 HCB, 05 HCĐ và 03 Chứng chỉ tay nghề xuất sắc của Hội thi Kỹ năng nghề thế giới Worldskills Competition.
– Về đào tạo chất lượng cao được Quốc tế thừa nhận: Hiện tại, Nhà trường đang tổ chức đào tạo các chương trình quốc tế gồm: 03 nghề: Điện tử Công nghiệp, Cơ điện tử, Thiết kế đồ hoạ theo chương trình của Úc, 01 nghề Công nghệ Ô tô theo chương trình của Đức, 04 nghề Chăm sóc sắc đẹp đang đào tạo theo chương trình của Hàn Quốc. 02 nghề đạt tiêu chuẩn kiểm định của tổ chức Skills International – New Zealand gồm Điện công nghiệp, Máy lạnh và điều hoà không khí. kiểm định chất đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của Cộng hoà liên bang Đức;được tổ chức Quacert cấp chứng nhận ISO 9001:2015 và được Hiệp hội Dạy nghề châu Âu – EVBB công nhận thành viên chính thức của Hiệp hội.
* Mục tiêu giai đoạn 2020-2025: Quyết tâm thực hiện thành công Quyết định số 1025/QĐ-UBND UBND Thành phố Hà Nội ngày 4/3/2019 về việc “Đầu tư Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đồng bộ trở thành Trường chất lượng cao, đào tạo một số nghề theo tiêu chuẩn Quốc tế đến năm 2020” và xây dựng nhà trường trở thành Trung tâm nghiên cứu – Ứng dụng – Chuyển giao công nghệ mạnh có uy tin trong nước và quốc tế, đào tạo nghề chất lượng cao gắn với giải quyết việc làm góp phần phát triển KT-XH Thủ đô.
Trung tâm TS&GQVL tổng hợp./.
(Nguồn: http://m.kinhtedothi.vn/)