Trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, công nghệ ngày càng chi phối mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thế hệ trẻ ngày nay không còn bị ràng buộc trong lối mòn “đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công”. Từng bước phá bỏ định kiến, họ bắt đầu nhìn nhận lại giá trị thật của việc học – học để sống, học để làm chủ, học để phát triển bền vững, thay vì chỉ học để có bằng cấp. Và giữa những ngã rẽ lựa chọn, một hướng đi đang dần trở thành xu thế: học Cao đẳng thực hành. Không học nghề vì không còn lựa chọn nào khác, mà học nghề như một quyết định chủ động, tự tin, khẳng định cá tính và mục tiêu sống rõ ràng.
Tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội – nơi mỗi năm đón hàng nghìn học sinh sinh viên từ khắp mọi miền tổ quốc tinh thần: “nghề là cơ hội sống tốt và sống đúng” đang hiện lên rõ nét qua từng câu chuyện, từng hành trình cá nhân của những người trẻ đầy khát vọng.
Không khó để bắt gặp trong khuôn viên HHT hình ảnh những bạn học sinh mới chỉ 16 tuổi đã mạnh dạn chọn con đường học song bằng sau khi tốt nghiệp THCS. Không phải vì các em không đủ khả năng học THPT, mà bởi các em đã xác định rõ định hướng nghề nghiệp ngay từ sớm, muốn rút ngắn thời gian, muốn được “học từ thực tiễn” và sớm làm chủ kỹ năng nghề. Cũng tại nơi đây, có những bạn sinh viên từng thi đại học, thậm chí đã học dở dang đại học, nhưng quyết định chuyển hướng sang học nghề để tìm lại cảm hứng học tập và khả năng phát triển thực sự phù hợp với mình.
Tại sao những lựa chọn đó ngày càng trở nên phổ biến? Bởi người trẻ hôm nay đang muốn sống một cuộc đời thực chất. Họ không cần hào nhoáng, không cần theo khuôn mẫu. Điều họ cần là được làm điều mình yêu, sống với điều mình giỏi và kiếm sống bằng chính đôi tay, trí óc và trái tim của mình.
Ở HHT, việc học không diễn ra trên bục giảng nhiều giờ mà được tổ chức qua các mô hình học tích hợp, học tại phòng thực hành, học trong doanh nghiệp, học từ chính những dự án và sản phẩm thật. Một sinh viên ngành Điện công nghiệp sẽ được tiếp cận hệ thống tự động hóa chuẩn công nghiệp. Một sinh viên ngành Công nghệ thông tin không chỉ học viết code mà còn tham gia phát triển ứng dụng, làm việc nhóm. Một sinh viên ngành Chăm sóc sắc đẹp được trải nghiệm không gian học như salon chuyên nghiệp với khách hàng thật, sản phẩm thật, áp lực thật – nhưng chính từ đó, các bạn trưởng thành nhanh hơn, tự tin hơn và yêu nghề hơn.
Đặc biệt, điều làm nên sự khác biệt tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội không chỉ là chương trình đào tạo hiện đại mà còn là triết lý giáo dục hướng đến sự phát triển toàn diện con người. Học nghề không chỉ để làm giỏi mà còn để sống tốt, sống đúng. Chính triết lý đó được cụ thể hóa bằng hệ thống chương trình giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng sống, kỹ năng số, khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo. Từ năm nhất, sinh viên HHT đã được tham gia các hoạt động hướng nghiệp. Bên cạnh đó, các cuộc thi như “Ý tưởng khởi nghiệp HHT”, “HHT sáng tạo trẻ”, hay “Ngày hội nghề nghiệp” đã trở thành môi trường để sinh viên rèn luyện bản lĩnh, cọ xát thực tế và từng bước khẳng định chính mình. Để từ đó, nghề không còn là những công việc tay chân đơn thuần, mà là cả một hệ sinh thái sống động nơi công nghệ, sáng tạo và kỹ thuật giao thoa.
Tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, mọi học sinh đều có cơ hội – dù là học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh từng học lực trung bình hoặc đến từ nông thôn. Tại đây, thầy cô không chỉ là giảng viên mà còn là người đồng hành. Bạn bè không chỉ là người cùng lớp mà còn là cộng sự sáng tạo.
Nhiều sinh viên tại HHT bước vào trường với những câu chuyện rất đời thường, thậm chí từng mang nhiều mặc cảm: có em khuyết tật giọng nói, tưởng chừng không thể học ngành dịch vụ – nhưng lại trở thành nhà thiết kế website và bán hàng online thành công; có bạn gái dân tộc Tày duy nhất học ngành Điện công nghiệp – và là người dẫn đầu lớp cả về kỹ năng lẫn tác phong; có nhóm học sinh bỏ qua kỳ thi vào lớp 10 – nhưng sau 3 năm tại HHT, được doanh nghiệp đặt hàng tuyển dụng khi chưa tốt nghiệp. Tất cả họ có điểm chung: HHT là nơi khơi mở và nuôi dưỡng khát vọng sống tốt và sống đúng trong từng bạn trẻ. Không ít sinh viên HHT sau khi tốt nghiệp đã trở thành chủ doanh nghiệp, kỹ sư trưởng tại công ty Nhật Bản, kỹ thuật viên công nghệ cao trong khu công nghiệp, hay tiếp tục học liên thông lên đại học, thậm chí du học nghề ở châu Âu. Điều họ mang theo không chỉ là tấm bằng tốt nghiệp mà là năng lực thực tiễn và tinh thần nghề nghiệp đã được tôi luyện.
Nghề, nếu chỉ được nhìn như một phương tiện kiếm sống, sẽ mãi mãi bị đánh giá thấp. Nhưng nếu nhìn nghề như một cách để sống đúng với chính mình, thì đó là một con đường đáng tự hào. Chính điều này đang làm nên bản sắc rất riêng của HHT – một trường nghề không chỉ dạy kỹ năng mà còn khơi nguồn sáng tạo và tạo điều kiện cho mỗi bạn trẻ viết nên hành trình sống tốt – sống đúng của riêng mình.
Trung tâm TS & GQVL./.