Chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là giải pháp quan trọng trong đổi mới phương thức quản lý, đào tạo; là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở đánh giá thực trạng cùng những cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số của các cơ sở GDNN tại Thủ đô Hà Nội, hôm nay (ngày 21/9/2024), tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT), Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Nhà trường tổ chức Hội thảo: “Chuyển đổi số trong các cơ sở GDNN Thủ đô” – Thực trạng và giải pháp.
Về dự và chỉ đạo chương trình có ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội), ông Nguyễn Hồng Dân – Phó GĐ Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA – Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA; ông Mạc Văn Tiến – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, đại diện Lãnh đạo của 50 trường Đại học, Cao đẳng, Hiệp hội trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và 250 đại biểu tham gia.
Ông Nguyễn Hồng Dân – Phó GĐ Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tại báo cáo đề dẫn khai mạc, ông Nguyễn Hồng Dân – Phó GĐ Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội nhấn mạnh: “Tháng 6/2022, TBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 172/KH – UBND về việc thực hiện Chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2023”. Mục tiêu của kế hoạch nhằm đẩy mạnh triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Qua đó giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như có cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, tạo đột phá về chất lượng, tăng số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của thành phố.
Về các nhiệm vụ trọng tâm, thành phố Hà Nội chú trọng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp về chuyển đổi số; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; xây dựng, phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số; xây dựng và phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị, học liệu số; phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, đổi mới phương pháp dạy và học; huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn an ninh mạng…
TS Phạm Vũ Quốc Binh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN thông qua các chủ trương chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hệ thống GDNN Quốc gia.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, TS Phạm Vũ Quốc Binh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN đã thông qua các chủ trương chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hệ thống GDNN Quốc gia. Trong đó tập trung nhấn mạnh tới những lợi ích nhất định mà chuyển đổi số mang lại so với giáo dục truyền thống.
Thực hiện chuyển đổi số trong GDNN sẽ mang lại những lợi ích nhất định so với giáo dục truyền thống: (1) đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người học; (2) tạo sự đột phá trong GDNN; (3) cung cấp giáo dục thường xuyên và công việc suốt đời.
NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ mô hình chuyển đổi số tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.
Đào tạo nghề nghiệp là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học hoặc để nâng cao trình độ nghề nghiệp. Với ý nghĩa thiết thực đó, Phó Tổng cục trưởng hy vọng Hà Nội sẽ là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc ứng dụng chuyển đổi số tại các cơ sở GDNN, trong đó có nhiều trường tiên phong và triển khai có hiệu quả, là mô hình tiêu biểu.
Các chuyên gia trình bày tham luận.
Bên cạnh đó, Hội thảo có sự tham gia chia sẻ của các diễn giả là chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số: Ông Nguyễn Nhật Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA – Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA; ông Mạc Văn Tiến – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, bà Lê Thu Trà – Phó trưởng phòng GDNN (Sở LĐTB & XH TP. Hà Nội), ông Vũ Nguyên Thức – Đại học Quốc gia Hà Nội, NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, bà Nguyễn Yến Hoa – GĐ vận hành Công ty FON Reality Việt Nam,.. với các tham luận: “Chuyển đổi số trong các cơ sở GDNN: Thực trạng và giải pháp”, “Xây dựng mô hình trường học số trong GDNN”, “Mô hình chuyển đổi số tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội”, “Ứng dụng chuyển đổi số đối với hoạt động tuyển sinh trong các cơ sở GDNN”, “Nghiên cứu đề xuất phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực và kỹ năng được hình thành của người học trong mô hình chuyển đổi số”, “Chuyển đổi số ứng dụng công nghệ Thực tế ảo mở rộng XR và Trí tuệ Nhân tạo AI nâng cao năng lưc, hiệu suất và chất lượng đào tạo nghề tại Việt Nam”.
Với mong muốn hỗ trợ cho các đơn vị thành viên là các cơ sở GDNN trên địa bàn Thủ đô triển khai các hoạt động trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Hội thảo đã tiến hành thảo luận về thể chế nhằm thúc đẩy có hiệu quả việc triển khai chuyển đổi số trong GDNN Thủ đô; đưa ra các chính sách thu hút nguồn lực; đánh giá tổng quan thực trạng và đưa ra các giải pháp về những nội dung trọng tâm sau:
- Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp về chuyển đổi số;
- Xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; xây dựng, phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số;
- Xây dựng và phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị, học liệu số; phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, đổi mới phương pháp dạy và học;
- Huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn an ninh mạng…
Trung tâm TS & GQVL./.