Nằm trong chuỗi các Hội nghị thuộc Đề án 844 – “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” của Bộ Khoa học và Công nghệ do Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chủ trì thực hiện, sáng nay (ngày 28/10/2022), Hội nghị: “Kết nối phổ biến và chuyển giao chương trình, tài liệu đào tạo của nhiệm vụ Huấn luyện bồi dưỡng kiến thức nâng cao về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tiếp tục được nhà trường phối hợp cùng Đoàn Thanh niên (Bộ Khoa học – Công nghệ) tổ chức.
NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh – Chủ tịch HĐ trường, Chủ nhiệm nhiệm vụ phát biểu khai mạc.
Hội nghị được tổ chức nhằm phổ biến và chuyển giao chương trình, tài liệu đào tạo kiến thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp. Hội nghị có sự tham dự và đồng hành của các đồng chí là Chủ tịch HĐ Cố vấn KNĐMST Quốc gia.; Phó Bí thư Đoàn Khối các cơ quan trung ương; Bí thư Đoàn Thanh niên – Bộ KH&CN; Văn phòng Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN; Đại diện Hội đồng kinh tế Châu Âu tại Việt Nam (EEDC); Đại diện Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo – GMT SI-FUND; Hiệu trưởng/Phó hiệu trưởng của các cơ sở GDNN trong cả nước,..
Các đại biểu tham dự Hội nghị chia sẻ về nhiệm vụ Huấn luyện.
Phát biểu khai mạc, NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh – Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ nhiệm Đề án nhấn mạnh: chuyển giao chương trình đào tạo, tài liệu của nhiệm vụ Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức nâng cao về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo góp phần thúc đẩy việc triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp hướng tới môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đáp ứng thị trường lao động, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa. NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh chia sẻ: Với vai trò tiên phong trong hệ thống GDNN khi triển khai hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ngoài những thuận lợi thì nhà trường cũng gặp phải những khó khăn trong việc kết nối nguồn lực con người và chuyên gia. Để Đề án được triển khai thành công, Nhà trường đã nhận được sự quan tâm, đồng hành và chia sẻ đặc biệt từ phía Đoàn Thanh niên – Bộ KH&CN về việc huy động và kết nối các nguồn lực hỗ trợ quá trình thực hiện mục tiêu và sứ mệnh phát triển phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trong cả nước.
Tại Hội nghị, Ông Trần Văn Bình – Chánh Văn phòng – Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN nhận định: Nhiệm vụ Huấn luyện bồi dưỡng kiến thức nâng cao về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã mang trong mình một sứ mệnh lớn là đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên là mentor và các stratup tiêu biểu, xuất sắc trong hệ thống GDNN. Để các trường thực hiện thành công nhiệm vụ này, ngoài sự hỗ trợ từ phía các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước cần sự vào cuộc của các trường, các chuyên gia, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thầy, cô giáo và HSSV thuộc hơn 60 cơ sở GDNN trong cả nước.
Ký kết chuyển giao chương trình đào tạo, tài liệu đào tạo của nhiệm vụ Huấn luyện bồi dưỡng kiến thức nâng cao về KN ĐMST.
Hội nghị: “Kết nối phổ biến và chuyển giao chương trình, tài liệu đào tạo của nhiệm vụ Huấn luyện bồi dưỡng kiến thức nâng cao về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tiếp nối cho sự thành công của chuỗi các Hội nghị được nhà trường phối hợp tổ chức. Sau khi đào tạo cho cán bộ, giảng viên và HSSV của hơn 60 trường đại học và cao đẳng trong cả nước, Hội nghị đã tiếp thu những phản hồi đóng góp tích cực, mang tính chất xây dụng. Qua đó, Ban chủ nhiệm nhiệm vụ tiếp thu và điều chỉnh, bổ sung khung chương trình đào tạo của nhiệm vụ để đảm bảo tính thực tiễn, tính phù hợp và tính khả thi trong quá trình chuyển giao và áp dụng đại trà trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng.
Trung tâm TS&GQVL./.