Thị trường đòi hỏi nguồn nhân lực ngày càng khắt khe và chuyên nghiệp, trước yêu cầu này Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội (HHT) đã phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo và cho ra trường những nhân lực tốt nhất. Tiến sĩ Trần Xuân Ngọc, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội về phương thức đào tạo linh hoạt này.
Trang bị thêm kỹ năng cần có cho sinh viên
+ Hiện nay, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi rất lớn trong các lĩnh vực ngành nghề, đòi hỏi nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao phù hợp với thực tế. Là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm rất tốt, nhà trường đã có những bước chuyển đổi như thế nào để có kết quả đáng học hỏi như vậy, thưa ông?
– T.S Trần Xuân Ngọc: Thị trường đòi hỏi nguồn nhân lực ngày càng chất lượng nên trường đã nghiên cứu khá kỹ những đòi hỏi đó để có kể hoạch đào tạo phù hợp với thực tế. Đó là tiến hành điều chỉnh trong công tác đào tạo những kỹ năng cần trang bị cho sinh viên khi ra trường bắt buộc phải thành thục, thích ứng với nhu cầu trong thời kỳ mới. Theo đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp nghề nào cũng phải tích hợp đủ những kỹ năng mà ngành nghề đó cần phải có. Có như vậy, người lao động khi ra thị trường mới triển khai và áp dụng được trong vận hành kỹ thuật, chuyên môn, phù hợp với sự phát triển kinh tế của mỗi ngành nghề.
Đào tạo 34 ngành nghề đều nhắm đến đầu ra cho sinh viên
+ Nói như vậy, có nghĩa là nhà trường sẽ phải tính đến thị trường phù hợp với hệ thống đào tạo ngành nghề nhà trường đang có, thưa ông?
– T.S Trần Xuân Ngọc: Ở một góc độ nào đó, nhà trường cũng giống doanh nghiệp đều phải tính đến thị trường nào có khả năng đáp ứng. Nhà trường sẽ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực ở các ngành nghề mà nhìn thấy rõ có đầu ra, nhìn rõ thấy cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên được đảm bảo. Và như vậy, nhà trường một mặt điều chỉnh kỹ năng theo sự thay đổi phát triển công nghệ, cùng đó cũng sẽ cập nhật và mở rộng mã ngành đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.
Trong những năm qua, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội cũng mở từ 2 – 4 nghề đào tạo mới. Hiện nay, nhà trường đang triển khai 34 ngành nghề đào tạo khác nhau. Chúng tôi luôn tự hào là một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với sự đa dạng về mã ngạch đào tạo ở các ngành nghề, phần lớn các mã ngạch đào tạo khi mở ra đều thu hút tốt người tham gia học. Khi các em ra trường đều rất thuận lợi về cơ hội việc làm, bởi nhu cầu thị trường lao động ở những ngành nghề mà nhà trường đang đào tạo là rất lớn, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp rất cao, trong đó những nghề “mũi nhọn” của nhà trường như: Công nghệ ô tô, Điện – Điện tử, Cơ khí… Bên cạnh đó, một số ngành mới tưởng như rất đơn giản nhưng nhu cầu thị trường lại đang thuộc diện khan hiếm và vẫn đang là ngành phát triển theo xu hướng như: Tổ chức sự kiện, Thương mại điện tử… Đó là những ngành mới được nhà trường đưa vào tuyển sinh, đào tạo từ năm 2015 đến nay.
Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội là cơ sở giáo dục nghề nghiệp duy nhất có mã ngạch đào tạo ngành Chăm sóc sắc đẹp. Cho đến bây giờ và tương lai, ngành Chăm sóc sắc đẹp sẽ ngày càng phát triển. Bước đầu Khoa Chăm sóc sắc đẹp có các lĩnh vực: Trang điểm, chăm sóc da, trang điểm nghệ thuật và tạo mẫu tóc… Hàng năm, số lượng sinh viên ra trường ở ngành học này đạt tỷ lệ 100% có việc làm. Ngay từ năm thứ nhất, các em đã có thể đi làm tự trang trải bản thân, đến khi ra trường đã trở thành người có kỹ năng nghề thuần thục và nhu cầu thị trường ở các spa lớn luôn “săn hàng”, đối tượng là sinh viên tốt nghiệp của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội. So với các ngành nghề khác, cơ hội việc làm khả năng khởi nghiệp của các em sinh viên tốt nghiệp ngành này có nhiều lợi thế, ưu việt hẳn so với các ngành nghề khác.
Giải quyết việc làm cho sinh viên ngay sau khi ra trường
+ Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội đã phối hợp với doanh nghiệp như thế nào để xây dựng chương trình đào tạo hiệu quả, tránh lãng phí, mang lại lợi ích về chất lượng nguồn nhân lực cũng như bài toán đầu ra cho sinh viên?
– T.S Trần Xuân Ngọc: Những năm gần đây, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội luôn có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm thực hiện công tác đào tạo, cùng đào tạo, cùng giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Với sinh viên năm thứ 2, thứ 3 vừa học tập, vừa làm việc tại các vị trí việc làm của doanh nghiệp đã được duy trì. Hiện nay, nhà trường đang đàm phán với một số doanh nghiệp để họ sẵn sàng phối hợp tuyển dụng, đào tạo để chất lượng sát với yêu cầu của doanh nghiệp.
Sau đó, tùy từng vị trí tuyển dụng, sinh viên được mời vào phỏng vấn làm như công tác tuyển dụng ban đầu. Năm cuối, học sinh vừa thực tập vừa làm tại doanh nghiệp ở chính vị trí mà doanh nghiệp tuyển dụng. Thường ở doanh nghiệp đánh giá và làm việc chỉ từ 2-3 tháng và thậm chí doanh nghiệp còn ngắn hơn 1 tháng, các doanh nghiệp kiểm tra đánh giá chuyên môn của học sinh, sinh viên và hiện nay đến 80% các doanh nghiệp ký hợp đồng lao động chính thức với người lao động chỉ sau 1- 2 tháng. Như vậy, 8 tháng còn lại sinh viên với vai trò vừa là người lao động cho doanh nghiệp, vừa là sinh viên nhà trường…
Đào tạo gắn kết với doanh nghiệp linh hoạt như vậy sẽ mang lại hiệu quả cho nhiều phía: phía nhà trường được tiếp cận với công nghệ mới, giáo viên được tiếp cận với kỹ thuật sản xuất, học sinh sinh viên được ứng dụng ngay việc học với phát triển kỹ năng và khẳng định vị trí việc làm, với doanh nghiệp có cơ hội thử thách tuyển dụng, đào tạo huấn luyện tạo ra nguồn nhân lực chất lượng bền vững cho chính doanh nghiệp của mình.
Theo Thu Linh/giadinh.net.vn
.