“Trong nhiều năm qua, sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh theo học hệ song bằng không chỉ là việc học song song hai chương trình – Trung học phổ thông và Giáo dục nghề nghiệp. Mà sâu xa hơn, đó là việc chuẩn bị hai hành trang quan trọng cho tương lai: tri thức nền tảng và kỹ năng thực hành”.
Một câu chuyện, nhiều suy ngẫm:
Một cậu học trò theo học nghề Công nghệ ô tô sau khi tốt nghiệp THCS, xuất thân từ tỉnh lẻ – vừa giành giải Nhất môn Hóa học trong Kỳ thi học sinh giỏi Thành phố Hà Nội 2025. Một kết quả khiến người ta phải suy nghĩ lại về cách chọn hướng đi cho con sau bậc THCS.
Nam sinh hệ song bằng: Phùng Đức Thịnh (K13 Công nghệ ô tô).
Giữa muôn vàn câu hỏi về chọn trường THPT hay rẽ sang học nghề sau lớp 9, cậu học trò đến từ Vĩnh Phúc đã chọn một con đường lặng lẽ và khác biệt: học hệ Cao đẳng 9+ tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội – nơi tích hợp dạy văn hóa THPT và đào tạo nghề song song. Đó là nam sinh Phùng Đức Thịnh.
Dưới mái trường HHT – nơi học sinh được học lý thuyết và thực hành, em từng bước bồi đắp năng lực kỹ thuật và tư duy khoa học. Việc đạt giải Nhất Hóa học là thành quả của quá trình kiên trì học tập, tự nghiên cứu và cân bằng hiệu quả giữa hai “thế giới”: học nghề và học thuật.
Phùng Đức Thịnh (thứ 2 từ phải qua trái).
“Không lò luyện. Không trường chuyên. Không chạy theo bảng điểm”. Nhưng trong Kỳ thi học sinh giỏi cấp Thành phố Hà Nội năm 2025 – cậu học sinh hệ CĐ 9+ ngành Công nghệ ô tô (Khóa 13) đã bất ngờ giành giải Nhất môn Hóa học.
Giữa lịch học đan xen văn hóa và thực hành nghề, em vẫn nuôi dưỡng đam mê với môn Hóa học – môn học mà em từng yêu thích từ cấp 2. Tự học, tự nghiên cứu để rồi kết quả đạt là: giải Nhất Kỳ thi học sinh giỏi Thành phố Hà Nội năm 2025.
Việc một học sinh học nghề đạt giải Nhất cấp Thành phố không chỉ là chuyện “cá biệt” đáng tự hào. Đó là tín hiệu thay đổi, là minh chứng rõ ràng rằng: hệ thống Giáo dục nghề nghiệp hiện đại – hoàn toàn có thể là “mảnh đất” ươm mầm cho cả tri thức lẫn kỹ năng, cho cả khát vọng lẫn bản lĩnh.
Câu chuyện cậu học sinh của Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội giành giải Nhất không chỉ truyền cảm hứng cho những bạn trẻ đã và đang theo đuổi con đường học nghề mà còn gợi mở lại câu hỏi lớn cho các bậc phụ huynh đang đứng trước “ngã ba đường” của con em mình sau lớp 9: liệu có nhất thiết phải học THPT mới là cánh cửa dẫn đến thành công?
Dẫn chứng hôm nay có thể chỉ là một cá nhân. Nhưng nếu có đủ niềm tin và hành động, những câu chuyện như thế sẽ trở thành xu hướng. Bởi đất nước đang rất cần một thế hệ mới – vừa giỏi chuyên môn, vừa có tư duy đổi mới và không ngại đi những con đường khác biệt.
“Lúc chọn học hệ CĐ 9+, em cũng khá băn khoăn vì thấy bạn bè ai cũng vào THPT. Nhưng em nghĩ: nếu mình được vừa học văn hóa, vừa học nghề, lại sớm có bằng cao đẳng và cơ hội đi làm tốt thì tại sao không thử? Giải Nhất HSG TP. Hà Nội môn Hóa học lần này là động lực lớn để em tin rằng: học nghề không đồng nghĩa với từ bỏ học tập, mà là một cách học khác – thực tế hơn, chủ động hơn và cũng đầy thử thách.” – Phùng Đức Thịnh – SV hệ CĐ 9+ Khóa 13 (nghề Công nghệ ô tô).
Vũ Hằng/Khoa Khoa học cơ bản./.