(HNM) – Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các trường nghề trên địa bàn Hà Nội đã khởi động tuyển sinh theo hướng bám sát nhu cầu của thị trường lao động ngay từ những ngày đầu năm 2020.
Mở rộng đào tạo theo đơn đặt hàng
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Yên Thắng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và giải quyết việc làm, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, cuối năm 2019, cơ sở này đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm 2020 với khoảng 2.600 chỉ tiêu cho 32 ngành, nghề đào tạo, trong đó có 1.600 chỉ tiêu hệ cao đẳng, trung cấp và 1.000 chỉ tiêu hệ sơ cấp. Các ngành, nghề thị trường lao động đang cần, như: Cơ khí chế tạo, công nghệ hàn, chăm sóc sắc đẹp, tiếng Anh du lịch… tiếp tục được nhà trường ưu tiên tuyển sinh.
Nhằm kết nối người học – nhà trường – doanh nghiệp, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội mở rộng đào tạo theo đơn đặt hàng. Theo đó, ngoài đơn đặt hàng đã ký với Công ty Hanwha Aero Engines (Hàn Quốc), từ năm 2020, cơ sở này sẽ thực hiện các điều khoản đã ký với Tổng công ty Cơ điện xây dựng – CTCP (AGRIMECO), Công ty cổ phần Quản lý và Khai thác tòa nhà VNPT (PMC), Công ty cổ phần AUTOTECH Việt Nam… để đào tạo nghề theo hình thức vừa học, vừa làm cho khoảng 500 sinh viên. Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Mạnh Nam, cán bộ phụ trách nhân sự, Công ty TNHH Hanwha Aero Engines nhận định: “Hình thức đặt hàng đào tạo với các nhà trường giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nhân lực; đồng thời giảm chi phí đào tạo lại cho người lao động”.
Góp phần cung ứng cho thị trường nguồn nhân lực có chất lượng cao, năm 2020, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội sẽ tuyển 1.500 chỉ tiêu với 20 ngành, nghề đào tạo, trong đó có 1.200 chỉ tiêu hệ cao đẳng. “Nhà trường tăng chỉ tiêu hệ cao đẳng và các ngành, nghề đào tạo theo chương trình chất lượng cao nhằm tạo ra lực lượng lao động có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu công việc trong thời kỳ mới”, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cho biết.
Tổng cộng, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội trong năm 2020 sẽ tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 210.000 lượt người, tăng ít nhất 5.000 chỉ tiêu so với năm 2019. Điểm chung của các nhà trường là tuyển sinh học nghề đi liền với tuyển dụng, cam kết tạo việc làm cho 100% sinh viên theo học các nghề trọng điểm; bảo đảm việc làm sau khi tốt nghiệp cho hơn 80% số người tham gia học nghề ở các trình độ.
Chủ động thu hút người học
Theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh, đào tạo bám sát nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của thị trường lao động là hướng đi đúng đắn. Bằng chứng là số lượng người tham gia học nghề tăng khoảng 5-7% mỗi năm.
Em Đôn Thị Thắm, thôn 1, xã Phượng Cách (huyện Quốc Oai) chia sẻ: “Tham gia học nghề thiết kế đồ họa theo tiêu chuẩn Australia tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, em vừa được nhà trường cam kết tạo việc làm, vừa được nhiều doanh nghiệp mời về làm việc. Tốt nghiệp vào tháng 1-2020, em lựa chọn cho mình công việc phù hợp với chuyên môn tại Công ty TNHH AliFaCo, số 143 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân”.
Việc nâng chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề đã và đang góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố Hà Nội từ 63,18% vào năm 2018 lên 67,1% vào năm 2019; của cả nước cũng tăng từ 58,6% lên 62% trong cùng khoảng thời gian.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả khả quan, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề trong những năm gần đây vẫn bộc lộ những bất cập, hạn chế. Một số ngành, nghề dù xã hội rất cần vẫn không thể tuyển đủ, như: Khoan nổ, mìn, công nghệ mạ, chế tạo khuôn mẫu… Số lượng người học nghề tập trung ở trình độ sơ cấp tới 75%; số người học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng mới chiếm 25%, trong khi thị trường đang “khát” lao động có kỹ năng.
Để có nguồn “đầu vào” phù hợp, từ tháng 1-2020, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp của cả nước đã chủ động tổ chức tư vấn tuyển sinh qua nhiều kênh khác nhau, ở nhiều địa điểm, tập trung vào đối tượng chuẩn bị tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vùng nông thôn. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn phối hợp với chính quyền các địa phương ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.
Ngoài sự chủ động của các nhà trường, các cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút học sinh, sinh viên, người lao động tham gia học nghề. Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin, các học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, người lao động thuộc đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố lựa chọn học nghề sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí học tập. Bên cạnh đó, thành phố đã hợp tác với hơn 500 doanh nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề nhằm bảo đảm đầu ra cho người học.
Với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, hy vọng công tác tuyển sinh, đào tạo nghề năm 2020 tiếp tục có sự chuyển biến về chất, đáp ứng nhu cầu của cả người học và các đơn vị tuyển dụng lao động.
Nguồn: Hanoimoi.com.vn
Xem Tin gốc Tại đây.