“Hữu xạ tự nhiên hương” – câu thành ngữ quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung. Theo nghĩa rộng, thành ngữ hàm ý nói: bất cứ thứ gì nếu thực sự có giá trị thì sẽ lan tỏa khiến mọi người biết đến, không cần tìm mọi cách phô trương, tuyên truyền, quảng bá. Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo; chất lượng đào tạo của các trường chính là yếu tố then chốt củng cố niềm tin cho người học, gia đình người học và toàn xã hội. Với trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT), mỗi năm hàng nghìn thí sinh lựa chọn đăng ký xét tuyển và làm thủ tục nhập học. Đứng trước ngưỡng cửa lập thân, lập nghiệp, với nhiều “ngã rẽ” và vô vàn cơ hội học tập, các bạn trẻ tin cậy chọn học nghề – học tại HHT để “thắp hoài bão, dệt tương lai” cho chính bản thân mình.
Có một điều đặc biệt: chắc hẳn hiếm một ngôi trường nào có số lượng anh/chị em ruột hay anh/chị em trong cùng một dòng họ cùng học một Khoa, chung một trường như trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT). Theo thống kê sơ bộ, tính đến thời điểm hiện tại có 56 học sinh – sinh viên của nhà trường là anh/chị em ruột, người cùng họ hàng với nhau. Vậy điều gì ở HHT khiến mỗi bạn trẻ và gia đình của họ tin tưởng để gửi gắm con em mình?
“Có bột mới gột nên hồ”:
Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) phát triển Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn diện. Theo đó, mọi đối tượng có nhu cầu đều có thể đăng ký học nghề, từ trình độ sơ cấp đến cao đẳng với tổng số 40 nghề đào tạo. Nhà trường được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lựa chọn 8 nghề để đầu tư trọng điểm cấp độ quốc tế. Đến thời điểm này, trường đã đào tạo thí điểm nghề: Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp, Thiết kế đồ họa theo chương trình chuyển giao từ Australia và nghề Công nghệ ô tô theo chương trình của Cộng hòa Liên bang Đức. Chương trình đào tạo vượt trội cùng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập hiện đại giúp người học được trang bị kỹ năng nghề vững chắc, tự tin tham gia vào thị trường lao động.
Với phương châm: tuyển sinh gắn liền với tuyển dụng, đào tạo gắn kết với việc làm; Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã thực hiện việc liên kết hợp tác với các tổ chức giáo dục, các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho học viên, sinh viên trong quá trình học tập, thực tập sản xuất, thực hành cũng như cam kết đảm bảo sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp.
Một trong những điểm khác biệt tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đó là nhà trường hiện thực hóa bằng văn bản đảm bảo 100% sinh viên đạt chuẩn đầu ra có việc làm và có thể tự tạo việc làm” với thu nhập từ 7-20 triệu đồng/tháng. Kết quả, nhiều nghề như: Điện, Điện tử, Kỹ thuật máy lạnh & Điều hòa không khí, Cơ khí, Hàn, Chăm sóc sắc đẹp, Công nghệ ô tô,… 100% SV có việc làm trước khi ra trường và không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp.
Những yếu tố đảm bảo trên đã giúp nhà trường đào tạo nên những thế hệ sinh viên: vững tay nghề, có khả năng hội nhập trong môi trường cạnh tranh đa văn hóa, có mức thu nhập cao và có thể tự tạo việc làm. “Sản phẩm” đầu ra chất lượng, được doanh nghiệp và xã hội đánh giá cao chính là yếu tố quyết định khẳng định vị thế và thương hiệu của nhà trường, tạo niềm tin cho các em học sinh và các bậc phụ huynh.
Những câu chuyện đặc biệt:
“Bỏ ngang Đại học, rẽ sang học nghề: Ấn tượng hai anh em ruột cùng giành Huy chương Vàng Asean”
Cùng đạt Huy chương Vàng nghề: Tự động hóa công nghiệp tại Kỳ thi tay nghề ASEAN, 2 anh em ruột Nguyễn Văn Long (nghề: Lắp đặt điện K2, Khoa Điện – Điện tử) và Nguyễn Văn Thiết (nghề Lắp đặt điện K5, Khoa Điện – Điện tử) được vinh danh là 2 trong số 10 Đại sứ nghề Việt Nam năm 2020.
Là 1 trong 10 gương mặt đại sứ nghề Việt Nam, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thiết khiến nhiều người chú ý đặc biệt bởi câu chuyện “hiếm gặp”. Em bỏ ngang cánh cổng Đại học để rẽ sang học nghề, một điều mà trước đây chính bản thân em nghĩ là “kém sang”. Nhưng kết quả bất ngờ, khó ai tin được chàng trai ấy giành Huy chương Vàng Kỳ thi tay nghề ASEAN rồi được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Trượt Đại học nguyện vọng 1 năm 2013, Thiết đỗ nguyện vọng 2 một trường Đại học ở Vinh nhưng chỉ học một thời gian ngắn là em tự rút hồ sơ, xin đi làm thêm ngoài Hà Nội. Nhắc lại kỉ niệm ấy, với Thiết vẫn là một bước ngoặt liều lĩnh: “Thực ra em biết quyết định của mình là không an toàn, thậm chí vướng vào sự phản đối của gia đình. Nhưng em nghĩ kĩ rồi, em không đam mê ngành học đó, cảm giác mình không muốn theo nên nghỉ sớm. Lúc đó, em chưa có hướng đi cụ thể hay là lựa chọn một cái gì khác để học. Em nghĩ trước mắt đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày đã rồi dần dần trong đầu mình sẽ có hướng đi rõ ràng”.
2 anh em ruột: Nguyễn Văn Long và Nguyễn Văn Thiết – 2 “chàng trai Vàng” của HHT.
Cùng lúc đó, anh trai của Thiết là Nguyễn Văn Long giành giải Nhất tại Kỳ thi tay nghề Quốc gia và được chọn vào đội tuyển đại diện Việt Nam tham gia Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 (2014). Long là tấm gương để Thiết có động lực, quyết tâm nộp đơn vào theo học nghề
Khi ấy Long đang học khóa 2, học nghề Lắp đặt và Điều khiển điện tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Chứng kiến những gì anh đạt được, Thiết nộp hồ sơ xin vào trường anh trai học, cho dù thời điểm đó đã muộn hẳn 1 học kì. Sau quá trình học tập, rèn luyện và nỗ lực hết mình dưới mái trường HHT, Nguyễn Văn Thiết đã gặt hái được “trái ngọt” khi giành Huy chương Vàng nghề Tự động hóa công nghiệp tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI năm 2016.
“Hai chị em song sinh – HSG cấp tỉnh, từ chối Đại học, chọn HHT”:
Là học sinh có thành tích cao trong học tập, ngay từ những năm học THPT, hai chị em song sinh: Hà Kiều Trinh và Hà Thúy Trinh (SN 2001) luôn được thầy cô và bạn bè quý mến vì sự thông minh, chăm chỉ và giành giải cao tại Kỳ thi học sinh giỏi (giải Nhì cấp tỉnh Bắc Giang, môn Lịch sử). Tốt nghiệp THPT, cũng như bao bạn cùng trang lứa, hai em nhanh chóng định hướng nghề nghiệp tương lai cho chính mình. Hai em dự định chọn chuyên ngành Quản trị văn phòng và Khoa học quản lý – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngay từ khi còn là sinh viên, Thúy Trinh đã được kết nạp Đảng.
Biết điểm thi, Thúy Trinh nhờ đến sự tư vấn của một người chú trong gia đình để chọn ngành và trường học. Từ sự tư vấn của chú và một số anh/chị đi trước, các em quyết định không đăng ký xét tuyển vào Đại học mà nộp hồ sơ vào trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Điều đặc biệt, người chú hướng nghiệp cho hai em là sinh viên khóa 6 cuả nhà trường còn Hà Trinh và Thúy Trinh là sinh viên khóa 10 nghề Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ (Khoa Ngoại ngữ – Kinh tế).
Tháng 8.2022, sau 3 năm cố gắng học tập ở trường, vừa thực tập tại các doanh nghiệp, Thuý Trinh tốt nghiệp với số điểm cao nhất toàn khóa chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp – Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và vinh dự được kết nạp Đảng khi em vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Hiện tại, Thúy Trinh đã xin được một công việc mảng chăm sóc khách hàng. Vừa mới tốt nghiệp ra trường, Thúy Trinh cho rằng chưa nên đòi hỏi mức lương cao và cần phải tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân. Khi đã cho doanh nghiệp thấy mình có khả năng làm gì, lúc đó mới có quyền đòi hỏi mức lương tương xứng.
Những gia đình có “dôi dư” con cháu học tập tại HHT:
Anh Dương Ngọc Thành (Tam Thuấn, Phúc Thọ, Hà Nội) có 2 người con và 3 cháu ruột đều là sinh viên của nhà trường: Dương Thanh Huấn (SV nghề Hàn k3), Dương Thanh Hòa (SV nghề Hàn K8), Dương Thanh Qúy (SV nghề Hàn K9), Dương Hồng Hương (SV nghề Thiết kế đồ họa K13) và Dương Minh Tú (SV nghề Hàn K14, vừa hoàn thành thủ tục nhập học).
Là cán bộ chuyên trách mảng tuyển sinh (Trung tâm Tuyển sinh & Giải quyết việc làm), mỗi năm, cô Nguyễn Thị Thương đều thực hiện công tác tư vấn, hướng nghiệp cho hàng nghìn học sinh; đến từng trường trao “cơ hội học tập” tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho mỗi bạn trẻ. Công tác tại trường, cô Thương nhận thấy rõ: nhà trường là đơn vị tiên phong trong đào tạo nghề chất lượng cao và “gửi gắm” 5 cháu ruột của mình học nghề tại trường (SV Đinh Thị Hiền nghề Điện tử công nghiệp K4, SV Đinh Sỹ Hoàng nghề Hàn K7, SV Đinh Sỹ Hùng nghề Vẽ thiết kế cơ khí K9, SV Nguyễn Thị Sâm nghề Chăm sóc sắc đẹp K7 và Nguyễn Văn Thiết – SV nghề Cơ điện tử K11).
Cũng như cô Nguyễn Thị Thương, nhiều cán bộ, giáo viên của nhà trường đều có con, cháu đã và đang theo học các nghề khác nhau tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (thầy Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng nhà trường, thầy Kiều Thành Chung – Trưởng khoa CNTT, thầy Phan Tiến Bắc – GV Khoa Cơ khí),…
Nhằm “hút” học sinh chất lượng, đồng thời giảm áp lực kinh tế cho những gia đình có nhiều con theo học tại trường, năm học 2023 – 2024, trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội tiếp tục tặng học bổng khuyến khích học tập, hỗ trợ học phí dành cho học sinh – sinh viên có anh/chị em ruột đăng ký nhập học tại trường.
Trong bối cảnh lao động phổ thông, đặc biệt là người lao động (NLĐ) không có kỹ năng nghề đang đứng trước thách thức thiếu việc làm nghiêm trọng thì NLĐ có kỹ năng nghề, nhất là lao động có tay nghề cao lại được các doanh nghiệp chờ đón từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường với thu nhập đáng mơ ước. Đây chính là cơ hội có “một không hai” mà người học cần nắm bắt để hiện thực hóa cơ hội việc làm ngay từ thời điểm chọn nghề có tính chất bước ngoặt này. Hệ thống tư vấn trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng các em trên con đường tìm nghề, học tập để kiến tạo tương lai của bản thân.
Trung tâm TS&GQVL./.