Trong bối cảnh lao động phổ thông, đặc biệt là người lao động (NLĐ) không có kỹ năng nghề đang đứng trước thách thức thiếu việc làm nghiêm trọng thì NLĐ có kỹ năng nghề, nhất là lao động có tay nghề cao lại được các doanh nghiệp chờ đón từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường với thu nhập đáng mơ ước.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn Quốc tế, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động là sứ mệnh của trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT). Với mục tiêu đó, nhà trường đã đạt được những kết quả khả quan, mang lại lợi ích cho bốn bên: người học, nhà trường, nhà tuyển dụng và xã hội.
Hiện nay, thị trường lao động trong nước tại hầu hết các lĩnh vực đều “dôi dư” nhưng lại thiếu cục bộ trong các doanh nghiệp thang máy. Theo thống kê: tại Việt Nam, tổng số thang máy được lắp đặt mới khoảng hơn 10.000 thang/năm. Trong khi đó, thị trường lao động cần khoảng 1.500 kỹ thuật viên lắp đặt và 12.000 kỹ thuật viên bảo trì thang máy. Tuy nhiên, nhân lực ngành này vẫn chưa được đào tạo chính quy, chưa có Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, chất lượng lao động đang ở mức thấp.
TGĐ Gamlift Nguyễn Hải Đức (bên phải) cùng NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội trong buổi làm việc tại trường về việc thành lập Trung tâm.
Trước thực trạng đó, tháng 6/2021, Hiệp hội Thang máy Việt Nam và hãng Gama Lift thành lập Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật thang máy tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT), hướng tới đào tạo Kỹ sư thực hành nghề: Kỹ thuật thang máy tại trường bắt đầu từ năm học 2021 – 2022.
Theo đó, nội dung hợp tác giữa ba bên bao gồm: Thành lập Trung tâm đào tạo Kỹ thuật Thang máy Việt Nam tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; Hợp tác, phối hợp trao đổi giảng viên, chuyên gia giữa ba bên để xây dựng, biên soạn chương trình đào tạo kỹ thuật thang máy nhằm triển khai và thực hiện tuyển sinh, đào tạo đảm bảo phù hợp với quy định của Luật GDNN, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn đầu ra của GamaServices; Khai thác và sử dụng, bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị nghề Thang máy nhằm đáp ứng các điều kiện theo qui định; Phối hợp thực hiện đào tạo song hành để cấp Chứng chỉ Kỹ thuật viên nghề Thang máy cho học viên,…
Trung tâm trực thuộc trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, do trường trực tiếp quản lý, thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh và đào tạo kỹ thuật thang máy. Hiệp hội Thang máy Việt Nam đóng vai trò hoạch định về phương hướng đào tạo và Gama Service sẽ thực hiện các hoạt động chuyên môn, thực tiễn của ngành kỹ thuật thang máy.
Những học viên khóa đào tạo đầu tiên được nhận Chứng chỉ.
Rõ ràng, sự bắt tay giữa Nhà trường – Doanh nghiệp thông qua việc trao đổi chương trình giảng dạy, giáo viên; hỗ trợ trang thiết bị học tập; đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp; hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp cho sinh viên sau tốt nghiệp,… đã mang lại lợi ích không chỉ cho người học mà cả doanh nghiệp, nhà trường và xã hội.
Thông qua việc xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp trong và ngoài nước, trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã trở thành một trong những cơ sở GDNN đi đầu cả nước khi giải quyết hiệu quả mục tiêu kép: nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên.
Khắc phục sự thiếu hụt và nâng cao chất lượng lao động ngành Thang máy:
“Con người là chìa khóa của mọi sự thành công” – nhận thức được vai trò quan trọng của yếu tố con người trong việc nâng cao chất lượng sản xuất, nâng cao hiệu suất lao động; Hiệp hội Thang máy Việt Nam thể hiện quyết tâm chuẩn hóa đội ngũ của ngành. Chỉ có chuẩn hóa nguồn nhân lực bằng đào tạo, bằng sát hạch đầu ra thì mới đảm bảo được an toàn lao động trong lĩnh vực này.
HHT cung ứng nguồn Kỹ sư thực hành chất lượng cao cho ngành Thang máy.
Tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, nhằm cung ứng Kỹ sư thực hành cho ngành Thang máy Việt Nam, nhà trường tập trung đào tạo ở 4 nghề: Điện công nghiệp, Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp, Lắp đặt điện & Điều khiển trong công nghiệp. Đây là lần đầu tiên trong hệ thống Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam, ngành Kỹ thuật thang máy chính thức được đưa vào chương trình đào tạo. Học viên sẽ được giảng dạy chuyên sâu và thực hành các nghiệp vụ về lắp đặt, vận hành, bảo trì bảo dưỡng, sửa chữa thang máy,… Đồng thời, đây sẽ là “cái nôi” cung cấp kỹ sư cho thị trường trong bối cảnh đòi hỏi cao về nguồn lao động của lĩnh vực này.
Học viên được đào tạo theo phương pháp Learning by doing (Học qua thực hành).
Trong chương trình đào tạo, các học viên sẽ được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ tư vấn và kỹ thuật thang máy với hệ thống cơ sở vật chất thực hành hiện đại, giúp học viên tiếp cận thực tế “người thực, việc thực”, phục vụ phương pháp đào tạo Learning by doing (Học qua thực hành), Training on job (Đào tạo trong công việc thực tế). Chương trình này sẽ tiếp tục được chuẩn hóa và áp dụng cho toàn ngành trong thời gian tới.
Sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật thang máy theo chương trình liên kết này sẽ có cơ hội làm việc tại GamaLift, Gama Service, các công ty lắp đặt thang máy, công ty dịch vụ thang máy trong và ngoài nước, công ty quản lý tòa nhà mảng thang máy hoặc tự do hành nghề trong lĩnh vực.
Đào tạo đội ngũ Kỹ sư thực hành cho ngành Thang máy, kết nối nguồn lao động với thị trường trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho học viên ra trường dễ dàng tìm kiếm việc làm và doanh nghiệp cũng thuận lợi tìm ứng viên có kỹ năng nghề đáp ứng được yêu cầu công việc – hướng đi ấy chính là sứ mệnh tiên phong trong đào tạo của trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.
Trung tâm TS & GQVL./.