Những bước nhảy vọt của CMCN 4.0 đặt ra nhiều thách thức với nhiều ngành nghề mới trên thị trường lao động. Sự thay đổi này đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học cả tư duy những kiến thức kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng. Trước yêu cầu của sự đổi mới đó, hôm nay (29/12/2021), Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ sáng tạo Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Cách mạng công nghiệp 4.0 với vấn đề phát triển GDNN ở nước ta hiện nay”.
Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ sáng tạo Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Cách mạng công nghiệp 4.0 với vấn đề phát triển GDNN ở nước ta hiện nay”.
Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, các báo cáo viên, các chuyên gia, lãnh đạo đến từ Viện Khoa học công nghệ sáng tạo Việt Nam, Tổng cục GDNN, Viện Khoa học GDNN, Thành đoàn Hà Nội, Tổng GĐ Hitachi Việt Nam, Lãnh đạo Công ty Cổ phần ADT quốc tế,…
Thông qua Hội thảo, những giải pháp, chiến lược được đưa ra trước những khó khăn và thách thức của hệ thống GDNN nói chung và các cơ sở GDNN của Thủ đô nói riêng nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển Thủ đô trở thành: “Thành phố thông minh” từ nay đến 2025, định hướng đến năm 2030.
Hội thảo đã thông qua những chiến lược, giải pháp trước yêu cầu đổi mới của cách mạng CN 4.0 đối với hệ thống GDNN.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận, trong đó tập trung nêu bật những yêu cầu đặt ra đối với hệ thống GDNN ở nước ta hiện nay. Để có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội, vượt qua những thách thức từ cuộc CMCN 4.0, hệ thống GDNN cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau:
+ Cần tiếp tục gia cố những yếu tố nền móng, đổi mới tư duy về phát triển giáo dục trong tổng thể chiến lược phát triển của quốc gia. Mục tiêu là đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, cụ thể là chuyển từ biệt lập, tự phát về số lượng sang chất lượng, có kết nối giữa đào tạo và sử dụng lao động, từ cách đào tạo làm cho người học thụ động sang chủ động sáng tạo, không ngại đương đầu với khó khăn, thách thức.
+ Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý tạo môi trường thuận lợi phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao; thị trường sản phẩm khoa học công nghệ phải phản ánh đầy đủ quan hệ cung – cầu, qua đó, làm căn cứ hoạch định chiến lược và chính sách. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đào tạo về công nghệ; Gắn kết chặt chẽ giữa các vườn ươm khởi nghiệp với trường đại học và DN…
+ Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường liên kết với các DN, các cơ sở đào tạo ngoài nước để xây dựng các phòng thí nghiệm theo hình thức hợp tác công – tư; Xây dựng mô hình giáo dục 4.0 theo kịp với xu hướng công nghệ hiện đại trong nền kinh tế 4.0.
+ Các trường cần tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ nghiên cứu, thu hút cán bộ giỏi, các chuyên gia trong và ngoài nước hợp tác với nhà trường. Đổi mới cơ chế quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trong đó xây dựng đội ngũ giáo viên là khâu then chốt…
+ Các chương trình đào tạo về lĩnh vực thương mại cần cập nhật kiến thức chuyên môn nhanh hơn nữa, phù hợp với xu hướng CMCN 4.0, mà cụ thể là 10 ứng dụng cơ bản của cuộc cách mạng này.
Các chuyên gia thảo luận sôi nổi về vấn đề áp dụng chuyển đổi số vào giáo dục nghề nghiệp
Hội thảo đã tập trung bàn về các nội dung như: Xu hướng của nền giáo dục 4.0 – Các nguyên tắc và đặc trưng cơ bản của cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông minh trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0.Các yếu tố góp phần nâng cao năng lực giảng viên, đổi mới phương pháp dạy, đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho việc chuyển đổi mô hình trường học truyền thống sang mô hình trường học thông minh.
NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh chia sẻ tại hội thảo.
Cũng Tại Hội thảo, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh – Phụ trách trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã chia sẻ về những xu hướng nghề nghiệp, việc làm và kỹ năng cho sinh viên, Từ đó, vượt qua tư duy cũ, sử dụng thành thạo ngoại ngữ, tin học; chú trọng bồi dưỡng tay nghề, nhằm giúp các em làm việc hiệu quả hơn trong môi trường chuyển đổi số.
Hội thảo được tổ chức vào những ngày cuối cùng của năm 2021 phần nào đã làm rõ sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 buộc giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới. Đây cũng là cơ hội tốt để chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học và các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm các giải pháp mang tính định hướng nhằm chuẩn bị cho công tác chuyển đổi số, xây dựng trường học thông minh đáp ứng mọi nhu cầu của doanh nghiệp.
Hằng Nga/Trung tâm TS&GQVL (tổng hợp).