“Ngày 16/5, NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng nhà trường và Trung tâm TS & GQVL tham dự Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên. Chương trình do Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì tổ chức”.
Năm 2025 là thời điểm có ý nghĩa quan trọng, khi công tác quản lý GDNN được chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp phần thống nhất hệ thống giáo dục và thúc đẩy liên thông giữa các bậc học. Đồng thời, việc sửa đổi đồng bộ ba luật gồm Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp đang được khẩn trương triển khai, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, hiện đại. Đây cũng là năm bản lề trong chặng nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, chuẩn bị cho Đại hội XIV, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị tuyển sinh GDNN, GDTX năm 2025 ngày 16/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã đưa ra các định hướng lớn:
Từng bước thống nhất và đồng bộ công tác tuyển sinh GDNN, GDTX trong hệ thống giáo dục. Xây dựng hệ thống thông tin tuyển sinh tích hợp, cho phép người học dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu và đăng ký xét tuyển vào các cơ sở GDNN, GDTX.
Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế tuyển sinh thống nhất, áp dụng cho tất cả các cơ sở GDNN, GDTX trên cả nước, đảm bảo công bằng, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho người học.
Trước mắt để kịp thời triển khai công tác tuyển sinh theo đúng kế hoạch, các cơ sở GDNN, GDTX tiếp tục thực hiện theo các phương thức tuyển sinh truyền thống và nghiên cứu hệ thống tuyển sinh ĐH để chủ động đăng ký tham gia.
Đổi mới công tác truyền thông tuyển sinh. Theo đó, các cơ sở GDNN, GDTX cần đổi mới mạnh mẽ phương thức truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội để tiếp cận hiệu quả với đối tượng người học; đẩy mạnh truyền thông về các câu chuyện thành công, tấm gương điển hình của người học và người lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao.
Đổi mới phương thức tuyển sinh và tạo thuận lợi cho liên thông, chuyển tiếp. Các cơ sở GDNN, GDTX cần đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, áp dụng hình thức xét tuyển linh hoạt phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, địa phương.
Thực hiện số hóa quy trình tuyển sinh, từ đăng ký xét tuyển, xét duyệt hồ sơ đến công bố kết quả, nhập học; đảm bảo công khai, minh bạch, thuận tiện cho người học và gia đình.
Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các cơ sở cần có chính sách tuyển sinh ưu tiên, hỗ trợ đặc biệt để thu hút người học, góp phần đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục. Chú trọng công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, trọng điểm, ngành nghề mới.
Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo. Cần rà soát, cập nhật, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo theo hướng phát triển năng lực, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng mềm cho người học.
Tăng cường đào tạo ngoại ngữ, tin học, kỹ năng số. Xây dựng các chương trình đào tạo mới đáp ứng xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Đa dạng hóa phương thức tổ chức đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin để tạo cơ hội cho người dân tham gia học tập, rèn luyện thúc đẩy học tập suốt đời trong xã hội.
Công khai, minh bạch chuẩn đầu ra của từng ngành, nghề đào tạo để người học và gia đình có thông tin đầy đủ khi lựa chọn ngành nghề, trường học.
Tăng cường gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Thúc đẩy hình thức đào tạo kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, trong đó người học được học tập, thực hành tại cả trường học và doanh nghiệp, thúc đầy học tập suốt đời trong xã hội, đặc biệt là đối với người lao động trong độ tuổi.
Chia sẻ tại Hội nghị, NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
“Liên quan đến mở ngành mới, chúng tôi đang phải đối mặt với các khó khăn như giáo trình, nhân lực, trang thiết bị. Vì vậy, đề nghị có cơ chế phối hợp với các đơn vị giáo dục cũng như doanh nghiệp để phối hợp đào tạo“.
Nghiên cứu triển khai mô hình “học kỳ doanh nghiệp” để người học có cơ hội trải nghiệm thực tế môi trường làm việc. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo và tuyển dụng học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.
Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề trong các dự thảo Luật sửa đổi trình Quốc hội trong năm 2025.
Nâng cao năng lực quản trị, tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của các GDNN, GDTX. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.
Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng sư phạm tốt, có kinh nghiệm thực tiễn và khả năng nghiên cứu, sáng tạo. Xây dựng văn hóa chất lượng trong các cơ sở GDNN, GDTX, trong đó lấy người học làm trung tâm, đáp ứng nhu cầu xã hội làm mục tiêu hàng đầu.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh thêm, để thực hiện hiệu quả các định hướng trên, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương và cơ sở GDNN, GDTX tập trung xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác tuyển sinh năm 2025 tại địa phương;
Thực hiện tốt công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT; Tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nối giữa học sinh phổ thông với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
Việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo là một bước tiến quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống giáo dục thống nhất, liên thông và hiệu quả.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở GDNN, GDTX phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo.
Trung tâm TS & GQVL (tổng hợp).