Chiều 19/8/2024, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm trực tuyến ”Xu hướng đào tạo nghề – Góc nhìn đa chiều”.
Tọa đàm là nơi chia sẻ thông tin, thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; là diễn đàn để kết nối các bên liên quan: cơ quan hoạch định chính sách, cơ sở đào tạo cung ứng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp, và học sinh, sinh viên. Qua đó, nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội về định hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai cho thanh, thiếu niên, nhất là học sinh lớp 9 và lớp 12
Các diễn giả sẽ trao đổi, bàn thảo về thực trạng công tác đào tạo nghề của Thủ đô Hà Nội hiện nay; thuận lợi, khó khăn và những kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước để phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời đề xuất những giải pháp, cơ chế chính sách để gắn kết cung – cầu trong đào tạo lao động trình độ cao; đề xuất cụ thể về mô hình hợp tác doanh nghiệp – nhà trường – sinh viên trong nghiên cứu, đào tạo và tìm kiếm việc làm của sinh viên các cơ sở đào tạo nghề
Toạ đàm còn kỳ vọng thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc hợp tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức thông tin, cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu của Chiến lược là “Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn”.
Tính đến nay, cả nước có khoảng 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 400 trường cao đẳng, hơn 460 trường trung cấp và gần 1.050 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Mục tiêu của Chính phủ đề ra trong Quyết định số 2239/QĐ-TTg, đến năm 2025, phấn đấu cả nước có khoảng 70 trường chất lượng cao, trong đó: 3 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 6 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; khoảng 150 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 5 – 10 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước ASEAN-4.
Có vị trí là trung tâm chính trị hành chính của đất nước – Hà Nội không chỉ là nơi tập trung các trường đại học, nghiên cứu mà còn là địa phương có số trường, cơ sở đào tạo nghề nghiệp lớn của cả nước, trong đó có không ít cơ sở giáo dục có uy tín, chất lượng cao như trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.
Với vai trò là cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội, hôm nay, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm “Xu thế đào tạo nghề- Góc nhìn đa chiều” với sự góp mặt của 3 nhà – cơ quan quản lý nhà nước – cơ sở đào tạo và nhà nhà tuyển dụng.
Tham dự sự kiện có: Ông Lê Minh Thảo – Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội; NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội; Ông Phan Quyết Long – Giám đốc Công ty TNHH xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long; Em Vũ Thu Hường – sinh viên K15 lớp Cơ điện tử, Khoa Cơ khí, trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.
Diễn ra đúng vào thời điểm các trường đại học, cao đẳng đang tuyển sinh, Ban tổ chức hy vọng mang đến cho bạn đọc Kinh tế & Đô thị có cái nhìn đa chiều về xu hướng đào tạo, nhu cầu của thị trường và cơ hội việc làm sau đào tạo trong bối cảnh “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay.
Ông có thể giới thiệu ngắn ngọn về Công ty, cơ cấu nhân sự kỹ sư, công nhân kỹ thuật của đơn vị? Dự kiến công tác tuyển dụng trong thời gian tới?
Ông Phan Quyết Long – Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long: Công ty TNHH Xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long thuộc Tập đoàn Thành Long. Hệ sinh thái của chúng tôi với 5 công ty thành viên trải đều ở 3 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Nam.
Công ty Thành Long hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất phụ trợ công nghiệp cho đa ngành nghề: gia công cơ khí, chế tạo máy tự động hóa. Đặc biệt, thế mạnh của Công ty là chuyên thiết kế và sản xuất các sản phẩm tiêu biểu như: lò chân không, máy kiểm tra tự động, xe tự hành tải trọng lớn, các loại máy phụ trợ cho sản xuất công nghiệp, dây chuyền băng tải tự động, đồ gá, bàn thao tác, xe đẩy hàng và giá kệ kho…
Công ty TNHH Xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long có một số dự án phát triển mới cho năm 2025, nên trong thời gian tới, Công ty dự tính cần số lượng lao động chất lượng cao trên 500 người.
Xin ông cho biết tiêu chí lựa chọn công nhân kỹ thuật của Công ty TNHH Xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long?
Ông Phan Quyết Long – Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long: Tiêu chí lựa chọn của Công ty cũng giống như rất nhiều như các đơn vị khác. Chúng tôi dựa trên các khả năng đáp ứng cơ bản của sinh viên mới ra trường, thứ nhất là kỹ năng mềm trong nhà máy.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Công ty sử dụng 100% lao động đã qua đào tạo. Những lao động đã qua đào tạo có kỹ năng về lý thuyết chuyên môn. Và cuối cùng là kỹ năng về nghề. Ba yếu tố này là rất cần thiết đối với doanh nghiệp.
Vì sao em lại chọn hệ song bằng của trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội?
Em Vũ Thu Hường – sinh viên K15 lớp Cơ điện tử: Sau 4 năm học THCS với sự cố gắng của bản thân, em đã đạt số điểm 39,5 tại Kỳ thi vào lớp 10 công lập năm 2024 do Sở GD&ĐT TP Hà Nội tổ chức. Với số điểm này em đủ điều kiện vào tất cả các trường cấp 3 công lập tại huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Tuy nhiên em đã lựa chọn hệ song bằng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, vì khi theo học ở trường 3 năm em vừa có thể nhận bằng THPT và bằng trung cấp chính quy cùng một lúc. Như vậy em có thể tiết kiệm thời gian so với các bạn khác ít nhất là 2 năm.
Mức học phí của trường lại thấp, phù hợp với gia đình có bố mẹ là công chức như gia đình em. Ngoài việc học kiến thức, em còn được học kỹ năng mềm, học thực hành nhiều song song với việc học lý thuyết. Từ đó, em có thể phát triển bản thân, có khả năng tự lập và sẽ có cơ hội việc làm sớm hơn các bạn cùng tuổi.
Hiện nay trong dòng họ nhà em đã có 5 người tốt nghiệp từ ngôi trường này. Các anh chị đều có mức thu nhập tốt so với mức thu nhập trung bình tại huyện Thạch Thất.
Vì sao em là nữ mà lại chọn ngành Cơ điện tử?
Em Vũ Thu Hường – sinh viên K15 lớp Cơ điện tử: Lý do em chọn ngành Cơ điện tử vì em đặc biệt yêu thích hai môn học là Vật lý và Toán học. Em nghĩ rằng ngành Cơ điện tử có thể giúp em phát huy tối đa sở trường của bản thân.
Trên thực tế, trước đây nhà em có hai chú đều học ngành này và hiện đang làm cho một công ty nước ngoài với vị trí quan trọng và mức lương khá cao. Nếu bản thân mình cố gắng học tập thì sau khi ra trường, em hoàn toàn có thể có một công việc ổn định với mức thu nhập tốt.
Ở góc độ là doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ làm sao để thu hút được lực lượng lao động chất lượng cao?
Ông Phan Quyết Long – Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long: Để thu hút lực lượng lao động chất lượng cao, Công ty TNHH Xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long không nhất thiết lấy xuất phát điểm là các kỹ sư, mà chúng tôi vẫn có thể sử dụng nguồn lao động trung cấp kỹ thuật, miễn là đáp ứng được chương trình khung của trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.
Thời gian gần đây, doanh nghiệp đã đồng hành với các em học sinh, sinh viên ngay từ lúc vào trường. Các em sinh viên có thể được coi là nhân viên của doanh nghiệp cử đến trường đào tạo. Doanh nghiệp sẽ đóng toàn bộ học phí và chỗ ở trong suốt 3 năm đào tạo cùng các chi phí khác. Trong 3 năm đào tạo, doanh nghiệp sẽ cùng nhà trường đào tạo thực hành 2 năm trong nhà máy, tham gia vào tất cả các chuỗi hoạt động.
Ngoài ra, sinh viên được thực tập, nâng cao trình độ bởi các chuyên gia tại Công ty và được hưởng lương trong quá trình thực tập. Sau tốt nghiệp, 100% sinh viên được nhận vào Công ty làm việc (cam kết làm việc tối thiểu 3 năm), được hưởng toàn bộ quyền lợi theo Luật Lao động hiện hành.
Ông đánh giá tổng quát thế nào về công tác đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội? Dự báo xu hướng đào tạo nghề trong thời gian tới?
Ông Lê Minh Thảo – Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp: Công tác giáo dục nghề nghiệp đã có sự thay đổi, phát triển tích cực. Hiện nay, chúng ta có hơn 300 đơn vị tham gia đào tạo nghề; trong đó 150 trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội. Hằng năm có khoảng hơn 200 nghìn người lao động tham gia thị trường được đào tạo từ các cơ sở này.
Có thể thấy, các cơ sở đào tạo nghề hiện nay đã có nhiều thay đổi tích cực về chất lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư hiện đại; nhiều giáo viên có chất lượng tay nghề giỏi; nội dung chương trình đã được nhà trường thay đổi để ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu của doanh nghiệp. Nhiều lao động đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong công ty, doanh nghiệp. Chất lượng đào tạo nghề của Hà Nội ngày càng được khẳng định khi “Chỉ số đào tạo lao động” trong “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI” của Hà Nội liên tục xếp thứ hạng cao trong những năm qua.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay Hà Nội có rất ít trường được đầu tư một cách đồng bộ, hiện đại, nhất là trong bối cảnh xu hướng hội nhập quốc tế.
Cần thấy rằng, nguồn nhân lực trực tiếp tham gia sản xuất đóng vai trò quan trọng, yếu tố quyết định trong sự cạnh tranh của mỗi quốc gia. Vì vậy, trong xu hướng đào tạo nghề, tôi mong muốn các trường sẽ tập trung đào tạo về các ngành nghề chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp và công nghệ ngày càng phát triển. Các trường phải tập trung đào tạo theo hướng chất lượng chứ không theo đại trà, số lượng, để nguồn lực lao động của chúng ta có thể vươn ra thị trường thế giới. Từ đó các bạn sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để có việc làm với mức thu nhập tốt.
Là người từng tham gia giảng dạy tại trường đại học và giờ đây là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, thầy có thể đánh giá về xu thế học nghề gần đây của các bạn trẻ? Cụ thể công tác tuyển sinh năm học này như thế nào?
NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội: Hiện nay, thế hệ trẻ là thế hệ chuyển mình cùng công nghệ số, đón đầu xu hướng toàn cầu. Các em dễ dàng nắm bắt được thị trường lao động đang trong tình cảnh “thừa thầy thiếu thợ”, và chứng kiến nhiều anh chị đi trước, sau tốt nghiệp đại học đang loay hoay tìm việc. Nhiều người trong số các em vẫn không biết bản thân muốn gì? đi làm để làm gì?
Biết nắm bắt thời cuộc và dám vượt ra khỏi những quan niệm khuôn mẫu, những lối mòn trong tư tưởng cũ như: “Cứ phải đậu đại học, học đại học mới có thể thành công”, cho nên dù đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2024 vừa qua, có thể đỗ vào những trường đại học thuộc top đầu cả nước nhưng nhiều bạn trẻ vẫn quyết định rẽ hướng chọn trường nghề.
Việc thí sinh chủ động chọn học nghề là xu hướng tốt. Bởi chọn học cao đẳng hoặc trung cấp nghề là các em đã có suy nghĩ thực tế hơn. Vào đại học là một sự lựa chọn, nhưng không phải trường nào cũng có thể cung cấp kiến thức, kỹ năng đạt chất lượng tốt.
Trong khi đó, chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã được nâng cao; nhiều trường đã được kiểm định trong nước và quốc tế, được doanh nghiệp đánh giá cao. Do đó, một tỷ lệ lớn sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp sau khi tốt nghiệp đã có việc làm ngay theo đúng ngành nghề đào tạo.
Mặt khác, các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cơ hội việc làm đối với sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp đang ngày càng trở lên phong phú. Thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp từ trường nghề “không thấp”, đặc biệt là những em có tay nghề trong những ngành “khát” nhân lực như công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử…
Tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, mùa tuyển sinh năm nay (năm học 2024 – 2025), nhiều bạn trẻ đã ưu tiên chọn học nghề thay vì học đại học, mặc dù các em đạt được kết quả cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Để thực sự là “lựa chọn tin cậy” của thí sinh và phụ huynh, nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng bám sát nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; thực hiện tốt phương châm “gắn nhà trường với doanh nghiệp”, nâng cao tính thực tiễn trong quá trình đào tạo; tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để gia tăng cơ hội việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp… Từ đó hướng đến mô hình đào tạo trong thời gian ngắn (không quá 3 năm) nhưng chất lượng và bảo đảm phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Theo ông, để khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải triển khai những giải pháp nào?
Ông Lê Minh Thảo – Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội: Theo tôi, để khắc phục tình trạng trên, cần phải có những giải pháp đồng bộ. Đối với nhà trường, chúng ta phải tự khẳng định mình, thay đổi để làm sao đào tạo ngày càng chất lượng, gắn với nhu cầu doanh nghiệp, không tách doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn chế, cần tranh thủ sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Vì vậy nhà trường phải gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Đây là giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay.
Đối với quản lý nhà nước, cần phải có sự thay đổi chính sách. Trong năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có tham mưu để HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết hỗ trợ học phí học nghề cho học sinh tốt nghiệp THPT tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng. Tuy nhiên, Chính phủ đã có quy định để học sinh THPT tham gia đào tạo nghề sẽ được miễn học phí học nghề. Hiện nay, TP Hà Nội tiếp tục nghiên cứu để hỗ trợ đối tượng THPT tham gia đào tạo nghề…
Thời gian qua xã hội đã thay đổi về nhận thức về đào tạo nghề, nhưng vẫn chưa đáng kể. Vì vậy, cần phải có sự tham gia của truyền thông. Vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Báo Kinh tế & Đô thị đã triển khai nhiều hoạt động, bài viết để tuyên truyền để gia đình và các em được tiếp cận thông tin đầy đủ hơn. Mong rằng các cơ quan truyền thông sẽ tiếp tục có những hỗ trợ tích cực hơn, đồng hành cùng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý để truyền đạt một thông điệp quan trọng. Đó là, con đường đào tạo nghề là một trong những con đường dẫn đến thành công. Các bạn học sinh hãy trở thành người học thông minh để lựa chọn được con đường phù hợp cho mình, tiết kiệm thời gian, chi phí và để việc học được hiệu quả hơn, mang mức thu nhập tốt đảm bảo cho cuộc sống sau này.
Các cơ sở đào tạo nghề làm thế nào để có cơ sở vật chất tốt đáp ứng nhu cầu hiện nay?
Ông Lê Minh Thảo – Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội: Theo tôi, các trường đào tạo nghề cần kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, nhất là những ngành nghề thay đổi liên tục theo công nghệ. Nhà nước không đủ nguồn ngân sách để đáp ứng đủ.
Hiện nay, công tác đào tạo đã có chuyển biến tích cực khi có doanh nghiệp “đặt hàng” để nguồn nhân lực tốt nghiệp xong có thể đi làm ngay, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập cho nhà trường, hỗ trợ học phí cho học sinh. Vì vậy, trường đào tạo nghề phối hợp với doanh nghiệp là một giải pháp bắt buộc, cốt lõi để nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, Hà Nội có học sinh tham gia đội tuyển quốc gia dự thi Kỳ thi tay nghề ASEAN đã đạt rất nhiều thành tích cao. Trong đó, trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đóng góp nhiều học sinh đạt giải cao nhất.
Là một trong những đơn vị dẫn đầu tại Kỳ thi Kỹ năng nghề thành phố, quốc gia, đạt tiêu chuẩn chất lượng kiểm định. Vậy ông cho biết đâu là những thế mạnh của nhà trường trong đào tạo nghề?
NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội: Bằng việc xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu rộng với hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước, trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã trở thành một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp đi đầu cả nước khi giải quyết hiệu quả mục tiêu kép: Nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên. Thực tế, trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội hợp tác đào tạo với tổ chức New Zealand Skills để công nhận kỹ năng và sinh viên ra trường có thể đi làm việc tại New Zealand.
Nguồn lực từ việc hợp tác với doanh nghiệp không chỉ giúp sinh viên có thêm địa điểm thực hành, thực tập và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp mà còn hỗ trợ nhà trường trong đào tạo bồi dưỡng giáo viên; phát triển chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất; hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ; liên kết đào tạo, công nhận văn bằng, chứng chỉ… đóng góp hiệu quả vào chất lượng đào tạo.
Cùng với việc nâng cao các kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên ngành theo tiêu chuẩn quốc tế, một trong những bước đi hiệu quả, thiết thực của trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội trong việc hạn chế sinh viên ra trường rơi vào tình trạng thất nghiệp đó là: Nhà trường đã chọn cho mình lối đi riêng khi chủ động “bắt tay” chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt hơn, Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện việc cam kết bằng văn bản – đảm bảo 100% học sinh, sinh viên đạt chuẩn đầu ra có việc làm hoặc có thể tự tạo việc làm với mức thu nhập từ 7 – 20 triệu/tháng.
Nhà trường quy định 3 nhóm chuẩn: Một là, chuẩn về kỹ năng nghề: Sinh viên ra trường phải chắc tay nghề, kỹ năng nghề vững vàng. Hai là, chuẩn về tiếng Anh: Sinh viên trước khi tốt nghiệp, trình độ ngoại ngữ phải đạt 350 điểm thi TOEIC hoặc tương đương. Ba là, chuẩn về Tin học: Chuẩn ICDL là thước đo trình độ Tin học của sinh viên nhà trường trước khi tốt nghiệp.
Riêng với các lớp chất lượng cao, theo tiêu chuẩn quốc tế, chuẩn đầu ra đối với trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) là B2 (Khung năng lực ngoại ngữ châu Âu).
Bên cạnh đó, Nhà trường chỉ đạo các khoa chuyên môn phối hợp với nhà trường giảng dạy cho sinh viên các kiến thức về kỹ năng mềm, văn hóa ứng xử tùy thuộc vào từng chuyên ngành đào tạo. Nhờ có các chuẩn đầu ra như vậy, sinh viên nhà trường được các tổ chức tuyển dụng lao động đánh giá rất cao về chuyên môn, kỹ năng làm việc và tác phong công nghiệp. Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội rất rộng mở.
Ngay từ những ngày đầu thành lập trường, trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội là đơn vị đăng cai và tham gia nhiều Kỳ thi Kỹ năng nghề và Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm các cấp. Trong bất kỳ cuộc thi nào, trong nhiều năm liền trường đều dẫn đầu về thành tích đạt giải. Tên tuổi của sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã được vinh danh trên đấu trường của khu vực và quốc tế.
Theo ông, có cần thay đổi cơ cấu tỷ lệ đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 6 tháng khi hiện nay tỷ lệ này đang ngày càng có xu hướng tăng lên?
Ông Lê Minh Thảo – Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội: Số lượng cơ cấu đào tạo nghề của Hà Nội trong thời gian qua theo xu thế tất yếu chung của toàn quốc và trên thế giới. Vì vậy theo tôi không cần điều chỉnh cơ cấu tỷ lệ về đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 6 tháng. Chỉ thay đổi khi Nhà nước có quy hoạch về trình độ nhân lực.
Lo lắng về vấn đề đào tạo, đào tạo lại, đây là vấn đề thường xuyên bởi doanh nghiệp sẽ phải thường xuyên thay đổi công nghệ, mẫu mã sản phẩm. Vì thế Nhà nước còn đang có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đào tạo, đào tạo lại để nguồn nhân lực lao động ngày càng đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Ngoài việc liên kết với doanh nghiệp, các tập đoàn lớn như Agrimeco, Homecare, PMC, PMTT,… Trường còn triển khai hiệu quả mô hình: “Hợp tác nhà trường với các tổ chức quốc tế” trong đào tạo cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Thầy có thể chia sẻ chi tiết hơn về mô hình?
NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội: Hợp tác với các tổ chức quốc tế trong giáo dục là một phương cách hữu hiệu để nhà trường từng bước hiện thực hóa mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và trình độ. Công tác hợp tác của nhà trường rất đa dạng như: mời giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy, báo cáo; trao đổi tài liệu, giáo viên và sinh viên; thực hiện các dự án ODA; tổ chức hội thảo, tọa đàm quốc tế; hỗ trợ kỹ thuật; liên kết đào tạo bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, liên kết đào tạo chuyển tiếp,…
Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh liên kết/hợp tác với các đối tác/tổ chức giáo dục quốc tế thông qua hàng loạt học bổng, chương trình, khóa học sát với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Bên cạnh những đối tác quen thuộc là Nhật Bản và Hàn Quốc, nhà trường không ngừng kết nối, mở rộng quan hệ song phương với nhiều tổ chức uy tín đến từ CHLB Đức, Australia, New Zealand, Viện Hợp tác và Phát triển châu Âu…
Trong khuôn khổ Đề án: “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai đào tạo thí điểm nghề trọng điểm cấp độ quốc tế chuyển giao từ CHLB Đức và Australia;
Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội được lựa chọn tham gia đào tạo thí điểm các nghề: Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp và Thiết kế đồ họa (theo tiêu chuẩn Australia), nghề Công nghệ ô tô (theo tiêu chuẩn CHLB Đức). Qua đó, không chỉ giảng viên được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm ngắn hạn tại Đức và Australia mà nhà trường còn được tiếp nhận bộ chương trình đào tạo các nghề được chuyển giao với sự tư vấn, đánh giá từ các chuyên gia nước ngoài.
Tiến tới nhà trường hợp tác đào tạo kép hệ song bằng. Theo đó, nhà trường và phía đối tác cùng nhau thống nhất những nội dung chính trong việc đào tạo kép thông qua chương trình đào tạo, thời gian đào tạo. Trong đó, tập trung hợp tác trao đổi học liệu, giáo viên/giảng viên giảng dạy, chuyển đổi số và chia sẻ thông tin; xây dựng chương trình khung hệ song bằng (3+1 hoặc 2+2); thực hiện giáo dục và phát triển lấy học sinh làm trung tâm, tiến tới thống nhất chung về việc cấp bằng tốt nghiệp sau đào tạo cho học sinh, sinh viên).
Nguồn: kinhtedothi.vn.