Tự chủ được 80% chi thường xuyên
Ông Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao cho biết, số thu từ dịch vụ đào tạo của nhà trường khoảng 35 tỷ đồng/năm. Với số thu này, nhà trường đã tự chủ được 80% chi thường xuyên.
Để chuẩn bị tự chủ, nhà trường đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đến đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, viên chức để tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2019, nhà trường đã giao cho các khoa thực hiện thí điểm tự chủ.
Theo đó, ngay từ đầu năm, các khoa tự đưa ra mục tiêu phấn đấu về số thu trong năm, tự quyết định các nội dung chi và mức chi. Nhà trường chỉ yêu cầu các khoa nộp lại một khoản nhất định để duy trì bộ máy. Số kinh phí dư ra sau khi cân đối thu chi, các khoa được quyết định sử dụng. Với cách làm này, các khoa sẽ phải tự đề ra các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi, đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo khoa, giảng viên sẽ phải năng động, sáng tạo hơn để tìm kiếm nguồn thu.
“Cuối năm, nhà trường sẽ tổng kết những thuận lợi, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện tự chủ đề cùng tháo gỡ và đề ra phương hướng trong năm tiếp theo. Khi các khoa tự chủ thành công, tức là nhà trường cũng tự chủ thành công”- ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, đối với các trường nghề, tự chủ tài chính là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Theo quy định, mỗi lớp dạy nghề chỉ có 25 sinh viên, mức thu trung bình là 8 triệu đồng/sinh viên/năm. Như vậy, một lớp dạy nghề mỗi năm chỉ thu được khoảng 200 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ để trả lương cho 2 giảng viên dạy một lớp, chưa tính đến các chi phí khác liên quan đến đào tạo.
Ngoài ra, hiện nay, các bộ, ngành chưa ban hành đầy đủ định mức kinh tế – kỹ thuật của các ngành nghề nên chưa đủ cơ sở để thực hiện đặt hàng, đào tạo. Hơn thế nữa, các trường vẫn gặp khó khăn về quy định xin mở ngành đào tạo. Chính vì những lý do này mà nhiều trường nghề chưa dám tự chủ.
Tìm nguồn kinh phí bằng cách liên kết với doanh nghiệp
Ông Khánh cho biết, liên kết với doanh nghiệp là nguồn thu quan trọng, ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu của trường. Hiện nhà trường đang gắn kết chặt chẽ với hơn 40 đơn vị, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề. Thông qua các chương trình hợp tác, nhà trường tiết giảm được chi phí thực tập, thu được kinh phí từ đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp, giáo viên được trả thêm lương, sinh viên được trau dồi kiến thức thực tế và được nhận vào làm việc tại DN ngay khi ra trường.
Đặc biệt, từ năm 2018, nhà trường đã ký kết hợp tác với Công ty Hanwha Aero Engines (Hàn Quốc), đóng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) triển khai chương trình đào tạo hệ cao đẳng theo hình thức vừa học, vừa làm. Đến thời điểm này, lớp Hanwha thu hút 51 sinh viên theo học.
Điểm khác biệt của mô hình liên kết đào tạo này là doanh nghiệp phải chi trả 100% chi phí đào tạo cho người học, bao gồm cả học phí, sinh hoạt phí trong suốt quá trình học. Mức chi trả tăng dần theo trình độ chuyên môn, tay nghề của sinh viên, tối đa có thể đạt hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Ra trường, 100% sinh viên được Công ty Hanwha Aero Engines nhận vào làm việc.
Nghề làm đẹp được nhà trường đưa vào đào tạo trong vài năm gần đây, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. |
Ông Khánh cho biết thêm, từ các nguồn đầu tư của thành phố Hà Nội và của doanh nghiệp, hiện nay, nhà trường có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, gồm 60 phòng học lý thuyết, 80 phòng thực hành, trung tâm thông tin thư viện, hội trường, nhà thi đấu thể thao, ký túc xá… Đội ngũ cán bộ, giáo viên gần 200 người đều đạt chuẩn về chuyên môn, có năng lực thực hành, nghiên cứu khoa học, có phương pháp giảng dạy tiên tiến. Đó là những yếu tố tiên quyết, nền tảng để nhà trường phấn đấu trở thành trường chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế trong tương lai gần.
Cũng nhờ chất lượng và thương hiệu đã được khẳng định, quy mô đào tạo của nhà trường tăng đều hằng năm, từ hơn 800 sinh viên vào năm học 2009-2010, tăng lên gần 6.000 sinh viên vào năm học 2019-2020; 96% học sinh, sinh viên của trường có việc làm sau thời gian tốt nghiệp 6 tháng.
Để việc thực hiện tự chủ của các trường nghề thực hiện thuận lợi, ông Khánh cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước phải dự báo được nhu cầu nhân lực trong 5, 10 năm tới, từ đó xác định các ngành, nghề trọng điểm để tiếp tục đầu tư. Đồng thời, phải lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp để nâng cao hiệu quả chi tiêu.
Ngoài ra, Nhà nước cần mạnh dạn giao quyền tự chủ toàn diện cho nhà trường, không chỉ là tự chủ về tài chính, mà cần mạnh dạn giao quyền tự chủ toàn diện về tổ chức bộ máy, nhân sự và học thuật. Song song với đó, Nhà nước cần xây dựng cơ chế giám sát dựa trên trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề./.
Theo Bùi Tư/Thoibaotaichinhvietnam.vn
Xem Tin gốc Tại đây.