Hiểu nghề từ sớm
Vũ Đức Mạnh (SN 2004, quê Cẩm Khê, Phú Thọ) có số điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 là 26,25 điểm. Để đạt được 10 điểm môn Lịch sử, 9 điểm môn Địa lý và 7,25 điểm môn Ngữ Văn, Đức Mạnh luôn chăm chỉ, cố gắng học tập từng giây, phút.
Sau khi nhận được kết quả thi, nam sinh vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc. Công sức học tập thời gian dài của em đã có kết quả xứng đáng. Tuy nhiên, nam sinh quyết định dùng số điểm này để nộp hồ sơ vào một trường nghề tại Hà Nội.
Đức Mạnh cho biết, mẹ em tốt nghiệp đại học sư phạm, sau đó về làm giáo viên mầm non gần nhà. Gần 10 năm nay, mẹ em vẫn là một giáo viên hợp đồng với mức lương chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Đây cũng là một trong những lí do khiến nam sinh chọn học nghề thay vì học đại học.
“Hoàn cảnh gia đình em không quá khó khăn, nếu đi học đại học bố mẹ em vẫn nuôi được. Nhưng em nghĩ rằng, việc sau khi học đại học sẽ khó có việc làm. Một phần nữa là do mẹ em nhiều năm làm giáo viên lương thấp nên bố mẹ luôn động viên, tôn trọng quyết định của em” – Đức Mạnh chia sẻ.
Hơn 1 năm học tập tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chuyên ngành công nghệ ô tô, Mạnh đã phần nào hiểu được công việc sau này của mình. Để giúp đỡ gia đình, em cũng đã bắt đầu đi làm thêm ở các quán cà phê. Sang năm học thứ 2, Mạnh dự định xin vào các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng ô tô rèn luyện tay nghề.
“Học ở trường nghề có cơ sở vật chất đầy đủ, thầy cô có kiến thức chuyên môn rất tốt. Tuy nhiên, đầu vào ở các trường nghề khá dễ, nhiều học sinh với học lực khác nhau nên chênh lệch lớn về ý thức học tập. Việc này cũng khiến em bị ảnh hưởng” – Mạnh tâm sự.
Theo Mạnh, các bạn cùng khóa cấp 3 của em gần như đều đi làm, chỉ có số ít là học đại học hoặc đi học nghề. Những bạn học đại thường hay rỉ tai nhau “lý thuyết nhiều quá!” khiến Mạnh càng khẳng định, quyết định học nghề của mình là đúng đắn.
Chỉ dừng ở việc học nghề
Được một người chú định hướng nghề nghiệp, Lê Trung Phong (SN 2004, quê Phú Thọ) cũng chọn học trường nghề. Phong cũng có điểm thi tốt nghiệp THPT là 26,85 điểm với môn Địa lý đạt 9,75 điểm.
Theo Phong, chú của em từng là sinh viên trường nghề. Sau khi tốt nghiệp, chú của Phong đã mở một xưởng cơ khí, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Có chú hướng nghề, Phong cũng quyết định theo học chuyên ngành cơ khí.
Vừa học ở trường, vừa đi làm thêm để kiếm tiền, học nghề từ chú, Phong đã nhận được nhiều bài học thực tế nghề nghiệp.
“Mỗi tháng em có thêm vài triệu đồng để chi tiêu mà không cần phải xin tiền bố mẹ. Em cố gắng sắp xếp giữa việc học ở trường với đi làm ở xưởng của chú sao cho cân đối; hôm nào học chiều thì em đi làm sáng và ngược lại” – Trung Phong nói.
Với số điểm thi tốt nghiệp THPT cao, Phong được nhận học bổng từ nhà trường. Năm đầu học cao đẳng nghề, Phong chỉ phải đóng số tiền học phí là 6 triệu đồng.
“Ở Việt Nam hiện nay vẫn chuộng bằng cấp. Nếu vào làm việc tại các cơ quan nhà nước hay các công ty yêu cầu bằng đại học, có lẽ em sẽ tiếp tục học lên. Còn xác định chỉ làm nghề cơ khí như chú em chỉ dừng ở việc học tập trong trường nghề” – Phong tâm sự.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2022, trong 51,2 triệu người lao động, chỉ 11% có kỹ năng nghề cao và hơn 26% có bằng cấp, đã qua đào tạo, chứng chỉ.
Do đó, việc tăng số người học nghề, đào tạo lao động có kỹ năng được coi là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong những năm tới.
Tháng 12.2022, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết năm qua các trường nghề tuyển được gần 2,45 triệu học viên, tăng 500.000 người so với năm 2021 và cao nhất trong 5 năm qua.
Theo Lương Hạnh/Laodong.vn