Hiệu trưởng nhà trường – TS Phạm Xuân Khánh trả lời phỏng vấnCót lõi là phải thay đổi tư duy và nhận thức
Thưa ông, hãng Apple vừa ra mắt Iphone 8, Sam Sung ra mắt Galaxy Note 8- những thế hệ điện thoại ngày càng thông minh trong thế giới công nghệ luôn thay đổi không ngừng, thậm chí ngay ở Việt Nam, ở một số nhà máy robot đã thay thế công nhân. Cuộc cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 đang dần chiếm lĩnh các ngành công nghiệp, vậy mà ở nhiều trường dạy nghề, sinh viên vẫn đang thực hành trên những cỗ máy của thế hệ 2.0, 3.0?
Đó là một thực tế, nhưng để đưa CMCN 4.0 vào giáo dục rất khó. Không chỉ khó cho ngành giáo dục mà khó cả ngành công nghiệp. Vì ngành công nghiệp của nước ta mới chỉ ở 2.0, 3.0. Trong đào tạo nghề, khó áp dụng 4.0 vì những phần liên quan đến nghiên cứu phát triển được coi là nhiệm vụ của các trường đại học, các trường top dưới chỉ rèn luyện cho học viên kĩ năng rộng, khả năng thích nghi cao, khả năng đáp ứng cao, linh hoạt đối với ngành nghề khác. Với dạy nghề trong bối cảnh 4.0 đang “ập” tới, yêu cầu rộng hơn, mỗi người phải linh hoạt hơn, không như trước đây, chỉ yêu cầu sinh viên học sâu. Ví dụ trước đây, học ngành điện thì chỉ cần biết đến điện, nhưng bây giờ phải hiểu cả về internet, lập trình, kĩ năng công nghệ, tổng hợp nhiều kỹ năng hơn, mở rộng hơn. Ngày trước, thợ hàn dùng máy để hàn rồi thành kỹ năng, từ kỹ năng thành kiến thức, bây giờ người ta dùng công nghệ ảo, sinh viên được quan sát trên máy tính, mô phỏng toàn bộ quá trình hàn, thực hiện hàn trên mô hình ảo đến khi nào động tác tuần thục thì mới ra bên ngoài để làm việc. Rõ ràng, sinh viên phải nắm rõ máy tính và internet, phải thông qua công nghệ ảo để đưa ra thực tế ứng dụng được. Đào tạo nghề trong thời đại CMCN 4.0 phải thay đổi rất nhiều.
Đào tạo nghề trong thời đại CMCN 4.0 phải thay đổi nhiều, nhưng theo ông thay đổi điều gì là cốt lõi nhất?
Theo tôi, cốt lõi và trước hết là phải thay đổi tư duy và nhận thức của đội ngũ giáo viên, của sinh viên về 4.0 . Thay đổi từ nhận thức đến hành động. Trước đây có thể học điện riêng, cơ khí riêng, oto riêng, bây giờ tất cả kết hợp với nhau không thể tách rời. Các máy móc cũ trước đây bây giờ phải kết nối lại thành các hệ thống và có điều khiển qua internet, điện thoại, máy tính bảng. Người học nghề trong xu thế 4.0 phải có tư duy rộng hơn.
Theo dự đoán, với CMCN 4.0, sẽ có nhiều ngành nghề biến mất. nhiều ngành mới ra đời. Người học nghề trong 4.0 có sự phân tầng rõ. Ở cấp đại học, hướng đến sự phát triển sử dụng trí tuệ nhân tạo, mô phỏng. Những người ở đào tạo nghề sẽ thực hiện công đoạn ở trong các dây chuyền, yêu cầu kiến thức kĩ năng rộng, linh hoạt, không chỉ thuần túy một nghề như điện chỉ biết điện, phải hiểu về robot, cơ khí, đòi hỏi cao hơn…
Muốn biến nhà trường thành nhà máy 4.0
Ở trưởng Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội mà ông là hiệu trưởng, đã có những sự thay đổi ban đầu gì dưới áp lực của CMCN 4.0?
Đang và sẽ có những thay đổi lớn. Ở trường tôi, sắp tới các khoa độc lập sẽ không còn nữa mà kết nối các khoa lại với nhau. Tất cả các trang thiết bị, máy móc sẽ thành hệ thống thông qua internet, di động. Nhà trường sẽ coi thiết bị công nghiệp như cơ sở sản xuất, mình phải mô hình hóa công tác ấy. Nói chính xác là chúng tôi muốn biến nhà trường thành nhà máy 4.0. Nhà trường mạnh dạn nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại để biến nhà trường thành nhà máy 4.0, chứ không sinh viên chỉ học ở những máy móc riêng lẻ rời rạc trong trường sẽ không hiệu quả. Như vậy, mới tiếp cận được 4.0, nếu không, 4.0 như đám mây lơ lửng trên đầu, sinh viên không thể “sờ” được.
Phải trang bị cho giao sinh viên và sinh viên nhận thức, chúng ta không thể đi ngược lại “cơn bão” công nghệ 4.0 mà phải đi cùng với nó, thậm chí phải đối mặt thay vì né tránh. Phải sẵn sàng và liên tục thay đổi, đáp ứng, thích nghi, học hỏi liên tục để tồn tại
Đào tạo nghề trong thời 4.0 cũng phải nhận thấy mô hình công nghiệp bây giờ không hoạt động tập trung mà có thể sản xuất phân tán trên cơ sở kết nối lại. điều khiển phân tán trên cơ sở điện toán toán đám mây (trước đây là điều khiển tập trung) . Bây giờ máy móc đặt mọi nơi. Trước đây sản xuất ô tô thì có đến vài nghìn chi tiết nhưng giờ cơ khí có thể sử dụng công nghệ in 3D, in ra khung gầm, bể máy, giảm thiểu chi tiết nhỏ. Khi lắp ráp lại thì dùng robot làm. Ví dụ gầm và bệ máy sản xuất nơi những khác nhau, sau đó robot lắp ráp với nhau, con người chỉ kiểm tra thông số trên máy móc đã đặt sẵn, phân tích xem xét. Ngày trước là sản xuất đồng loạt, bây giờ là sản xuất đơn chiếc theo nhu cầu của con người. Trước đây, xe ô tô sản xuất model giống nhau nhưng bây giờ khác.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh muốn có CMCN 4.0 ở Việt Nam thì phải có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cẩu của công nghiệp 4.0. Ông đánh giá chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam đang ở mức nào?
Hình minh họaChất lượng đào tạo nghề hiện nay thậm chí không được 3.0, rất thô sơ và cổ điển. Ở Việt Nam, kể cả trường đại học, tuyển sinh chỉ theo năng lực đào tạo của mình chứ chưa phải theo yêu cầu của xã hội. Nhưng với nền công nghiệp tương đối lạc hậu , sản xuất gia công dựa vào nhân lực trình độ thấp, nếu dào tạo được những người trình độ 4.0 thì có thể họ cũng sẽ thất nghiệp vì hầu như đang ít các cơ sở sản xuất áp dựng được công nghiệp 4.0. Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội chưa nhận được đơn đặt hàng nào để đào tạo công nhân 4.0 cả. Ở Việt Nam, chúng ta nói nhiều về 4.0 trên lý thuyết là chính. Số lượng người hiểu về 4.0 rất ít. Các chuyên gia nghiên cứu cũng chủ yếu trên lý thuyết, dựa vào các bài viết của quốc tế, còn thực tiễn thì gần như chưa có. Robot, công nghệ nano, in 3D, trí tuệ nhân tạo phải có những ứng dụng trong thực tế thì mới có cach mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Chưa có công nghiệp 4.0 trong thực tế mà đòi hỏi có nhân lực 4.0 thì khó.
Muốn có công nghiệp 4.0 thì cũng phải có nhân lực 4.0 trước, nhưng muốn có nhân lực 4.0 thì phải có công nghiệp 4.0, vấn đề này giống như bài toán con gà quả trứng cái nào có trước. Theo ông, thì để vươn lên nhân lực 4.0, điều quan trong nhất là gì?
Tôi nghĩ phải bắt đầu từ phát triển công nghiệp trong nước, mà muốn phát triển công nghiệp thì phải bắt đầu từ chính sách của Đảng và Nhà nước. Ví dụ như muốn phát triển ngành oto thì phải chủ trương hiện đại đến mức nào, tự động hóa đến mức nào, rồi từ đó mới đầu tư xây dựng nhà máy để sản xuất. Đồng thời, gắn với vấn đề đó thì phải đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu cả nhà máy đó. Nền công nghiệp với nhân lực phải gắn liền với nhau. Công nghiệp có phát triển thì giáo dục mới có điều kiện cung cấp nhân lực. Công nghiệp chưa phát triển thì giáo dục khó đi trước. Nếu giáo dục đi trước thì không ai đầu tư cho. Ở Đức chẳn hạn, hai điều này tiến hành song song, thậm chí họ đưa sinh viên vào nhà máy đào tạo để giảm chi phí. Ở Việt Nam, nhà nước đầu tư vào trường học, nhưng bây giờ ở nhiều nước phát triển họ đầu tư vào nhà máy, sinh viên thực hành trong nhà máy luôn. Muốn đào tạo nhân lực 4.0, trước hết ngành công nghiệp phải đưa ra nhu cầu.
Giải pháp đưa sinh viên ra nước ngoài học cũng khó khăn vì chắc gì đã học được công nghệ mới. Bây giờ công nghệ mới liên quan đến bản quyền. Tôi nghĩ muốn đào tào nghề để có nhân lực 4.0 thì nhà nước phải có định hướng đầu tư chứ để nhà trường tự bơi thì rất khó. Phải có chính sách để doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nhân lực. Ở nước ngoài, do công nghiệp phát triển nên nhu cầu tự nhiên là họ đến các cơ sở đào tạo để đặt hang. Ở Việt Nam, công nghiệp chưa phát triển, nhiều doanh nghiệp đang vật lộn để tồn tại thì việc họ đến các cơ sở đào tạo là điều xa vời. Nhưng tôi nghĩ đang có những tín hiệu tích cực như câu chuyện nhà máy oto Trường Hải đang xây dựng dây chuyền sản xuất theo mô hình công nghiệp 4.0. Từ đó, sẽ xuất hiện những công nhân 4.0 và các trường dạy nghề có thể liên kết với Trường Hải để đào tạo nhân lực cho nhà máy.
Liên quan để đào tào nhân lực 4.0 thì các trường đại học và cao đăng nghề phải nâng cao năng lực, nhưng muốn nâng cao năng lực cần có sự tự chủ. Hiện nay, các trường đều vừa muốn tự chủ nhưng lại vừa sợ ròi xa “bầu sữa” của nhà nước sẽ không tồn tại được. Nhân dịp đầu năm học mới, ông nghĩ gì về cơ chế tự chủ của các trường cao đẳng và đại học hiện nay?
Có câu nói vui là chỉ bệnh viện và nhà tang lễ muốn tự chủ vì luôn có khách hàng đều đặn. Nhưng tôi nghĩ hiện nay, tự chủ không khó khăn lắm, khó khăn chính là cơ chế cho nhà trường tự chủ đến đâu, trách nhiệm đến đâu, thu chi thế nào, đầu tư thiết bị ra sao…. Các trường hiện nay đang khó khăn về tài chính, thu không đủ chi. Thu lớn hơn hoặc bằng chi mới tự chủ được. Mà nguồn thu chính là học phí. Nhưng có một mâu thuẫn là nếu muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì phải tăng học phí, nhưng nếu tăng học phí sẽ vượt quá sức chịu đựng của sinh viên, họ sẽ bỏ học. Theo tôi, nhà trường phải hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, phải nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Sinh viên chính là sản phẩm của nhà trường, muốn có tiến lên đào tạo nhận lực 4.0 thì không có cách nào khác là năng cao chất lượng sản phẩm để có nguồn thu ổn định.
Nguồn: https://tamnhin.net.vn/dao-tao-nghe-thoi-40-muon-bien-nha-truong-thanh-nha-may-40-5601.html