Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (HHT) được “khai sinh” vào năm 2009, chính thức hoạt động vào năm 2010 với ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Dưới dự dẫn dắt của NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh, con tàu HHT không chỉ vượt sóng Covid-19 mà còn giữ vững danh hiệu của mình.
Ngọn lửa tâm huyết là chìa khóa thành công
Chia sẻ với chúng tôi, vị thuyền trưởng Phạm Xuân Khánh cho biết: Dẫn dắt một cơ sở đào tạo nghề trong bối cảnh đại dịch hiện nay là công việc cực kỳ khó khăn. Không chỉ cơ sở vật chất của nhà trường 2 năm liên tục được sử dụng làm Khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 mà còn nhiều khó khăn thách thức khác như sự bất cập về cơ cấu trình độ ngày càng tăng cao do tuyển sinh đại học liên tục tăng cao, chất lượng đầu vào của sinh viên thấp do vào học nghề là sự lựa chọn cuối cùng trong khi đòi hỏi chất lượng đầu ra đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp hay đảm bảo việc làm cho tất cả sinh viên trong bối cảnh kinh tế khó khăn,…
Biến những khó khăn thành cơ hội, thách thức thành thời cơ để phát triển, “đội ngũ cán bộ, giảng viên chúng tôi đã phải cố gắng, nỗ lực gấp nhiều lần so với các trường khác để đưa con thuyền HHT lênh đênh giữa biển khơi cập bến, đào tạo ra những lứa học trò được doanh nghiệp và xã hội chấp nhận và đánh giá cao. Không tâm huyết với nghề thì khó có thể làm được như vậy.” thầy Phạm Xuân Khánh cho biết.
Có thể nói, khó khăn chồng chất khó khăn khi nhận dẫn dắt một trường nghề trong điều kiện tâm lý “sính” bằng cấp khá phổ biến, nhưng thầy Khánh cùng đội ngũ giáo viên trong trường đã làm được một điều đặc biệt: Nhiều học sinh đã chọn trường nghề để trang bị kiến thức, kiếm một cái nghề làm cần câu cơm cho mình.
Làm thế nào để con tàu chất lượng cao ra khơi, làm thế nào để thu hút học viên đến với trường nghề ? Đó là câu hỏi khiến ông Phạm Xuân Khánh trăn trở rất nhiều. Ông nghĩ, việc đầu tiên muốn có trò giỏi, phải có giảng viên giỏi, muốn “con tàu” vươn xa phải có những máy cái tốt. Ông đã chọn hướng đi bắt đầu từ đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ giáo viên, những người sẽ cùng ông vận hành “con tàu chất lượng”.
Tự tin vượt qua đại dịch
Chia sẻ về những bí quyết vượt qua cơn bão dịch covid-19 khiến hầu hết các doanh nghiệp, các trường nghề lao đao, ông Phạm Xuân Khánh cho biết: Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế của chuyển đổi số, mô hình đào tạo của nhà trường cần thay đổi theo hướng tư duy và công nghệ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đảm bảo tính sáng tạo và thích ứng nhanh với sự đổi mới, đáp ứng sự phát triển không ngừng của KHCN.
Trong đó, hệ thống CNTT được phân tích, thiết kế và xây dựng theo hướng quản lý toàn diện và đồng bộ tất cả các hoạt động trong nhà trường (từ lãnh đạo đến sinh viên). Chuyển từ lớp học theo phương pháp dạy học truyền thống qua soạn – giảng E-Learning, dạy trực tuyến, phương pháp dạy học theo dự án.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đưa các chương trình đào tạo của Úc, Đức, Newzealand, Hàn Quốc… vào đào tạo là giải pháp quan trọng trong kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà trường.
Đặc biệt, 16/11/2021, HHT đã chính thức ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư Phòng thí nghiệm công nghiệp 4.0 với Tập đoàn Hitachi – Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới – là một bước tiến vượt bậc thể hiện chiến lược phát triển bền vững của nhà trường trong hợp tác với doanh nghiệp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy nghề và học nghề.
Trong công tác đào tạo, nhà trường thực hiện tốt phương châm “mỗi bài học là một công việc – mỗi module là một sản phẩm”, “dạy lý thuyết gắn liền với thực hành”, “đào tạo kết hợp với nghiên cứu khoa học và làm ra sản phẩmvà kinh doanh dịch vụ”, giải quyết có hiệu quả việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Trải qua hơn 11 năm xây dựng và phát triển, dưới sự “chèo lái” của “thuyền trưởng” NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế một cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Thủ đô trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp và có uy tín cao trong khu vực và quốc tế.