TÁC PHẨM DỰ THI CUỘC THI VIẾT
Về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội năm 2024
Họ tên người viết: Phí Thị Hằng Nga
Ngày sinh: 29/9/1986
Số điện thoại: 0988.362.872
Chức vụ/Đơn vị công tác: Biên tập viên Trung tâm Tuyển sinh và GQVL
Họ tên nhân vật: Trần Thị Kim Oanh
Ngày sinh: 05/8/1977
Chức vụ/Đơn vị công tác: Giảng viên GDNN lý thuyết – Khoa Nông nghiệp – Tài nguyên – Môi trường – Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội
Bài dự thi
GIẢNG VIÊN TRẦN THỊ KIM OANH: “CHO VÀNG, CHO BẠC KHÔNG BẰNG CHO NGHỀ, CHO NGHIỆP”.
“Nghìn việc tốt” chỉ đơn giản là những việc rất nhỏ mà mỗi người đều có thể làm. Đó là hành động bảo trợ các trẻ em mồ côi hay những cụ già neo đơn của các mạnh thường quân hoặc những chuyến thiện nguyện của các tổ chức/cá nhân, là những Dự án được mọi người triển khai có giá trị lan tỏa, có ích cho cộng đồng nhưng đôi khi, đó cũng chỉ là hình ảnh một cậu học trò dắt người già qua đường, những đôi bạn cùng tiến hỗ trợ nhau trong học tập,…
“Việc tốt”, “Việc tử tế”, thông qua nhiều cách để chúng ta hành động và hình thành thói quen; cùng nhau xây dựng, vun đắp lòng nhân ái, sự sẻ chia để “sống đẹp”, “sống có ích” mỗi ngày.
Trong cuộc sống thường nhật, những việc tốt đều hiện hữu xung quanh. Tôi thấy ở khu phố tôi ở, cơ quan tôi công tác, trường nơi con tôi học hay bất chợt chứng kiến ngoài đường. Mỗi hành động – Một ý nghĩa để xã hội là “Một vườn hoa đẹp”.
Trao đi những cơ hội học tập tốt cho thế hệ tương lai của đất nước – Đó là việc tốt của một nữ Gỉảng viên mà chúng tôi muốn kể.
Đến với trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội – ngôi trường có ý nghĩa trọng đại và lịch sử của Thủ đô – công trình 1000 năm Thăng Long Hà Nội, các bậc phụ huynh và các em học sinh – sinh viên ngành Quản lý đất đai chắc hẳn ai ai cũng biết tới cô Trần Thị Kim Oanh (GV khoa Nông nghiệp – Tài nguyên và Môi trường) của nhà trường.
Ở trường; tập thể cán bộ, giảng viên, người lao động cùng học sinh – sinh viên đều yêu mến cô – một Đảng viên gương mẫu, điển hình trong công tác giảng dạy, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh – sinh viên và thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh của nhà trường.
“Cho vàng, cho bạc không bằng cho nghề, cho nghiệp”
Trước khi là đồng nghiệp với chúng tôi, cô Trần Thị Kim Oanh từng giữ nhiều vị trí quản lý tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội (Phó trưởng khoa Phụ trách khoa Tài nguyên – Môi trường, Trưởng khoa Tài nguyên – Môi trường và Phó trưởng khoa Cơ tin – Tài nguyên). Sau khi nhà trường thực hiện Quyết định số 1267/QĐ – LĐTBXH ngày 15/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc sáp nhập trường Cao đẳng Công nghệ & Môi trường Hà Nội vào trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và đổi tên thành trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, cô Trần Thị Kim Oanh thực hiện nhiệm vụ giảng dạy ngành Quản lý đất đai (thuộc khoa Nông nghiệp – Tài nguyên và Môi trường).
Gần 20 năm công tác trong nghề, cô đã tới “từng trường”, đến nhiều huyện, xã, thôn xóm, “gõ” nhiều nhà, mang “cơ hội học tập – cơ hội việc làm” tại trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội, nay là trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho nhiều bạn trẻ trước bước đường “lập thân, lập nghiệp”.
Là một trong những đồng nghiệp được làm việc trực tiếp với cô Trần Thị Kim Oanh ngay sau quá trình sáp nhập, ấn tượng ban đầu của tôi về cô là một cô giáo có sắc vóc nhỏ nhắn nhưng tràn đầy năng lượng. Trong bối cảnh “xã hội hóa” học tập, các trường Đại học, Cao đẳng “mọc” lên như “nấm mọc sau mưa”; thêm vào đó do tâm lí sính bằng cấp của xã hội nên công tác tuyển sinh trong hệ thống Giáo dục nghề nghiệp nói chung cũng như trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội nói riêng ngày càng khó khăn. Với ước nguyện để ngày càng nhiều hơn học sinh được học tập tại trường, cô Trần Thị Kim Oanh đã tham mưu cho Ban giám hiệu, Ban Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giải quyết việc làm những thay đổi trong cách thức tuyển sinh để phù hợp với thực tiễn; huy động sự vào cuộc của tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh – sinh viên để mỗi người chính là một “đại sứ truyền thông”, truyền bá và lan tỏa thông tin tuyển sinh và hình ảnh của nhà trường tới các bậc phụ huynh và các em học sinh.
Mặc dù công tác tư vấn, hướng nghiệp không phải là nhiệm vụ chính với vị trí việc làm là một Giảng viên như cô nhưng cô Kim Oanh vẫn đau đáu một suy nghĩ: “Nhà trường có nhiều loại hình đào tạo hữu ích, thiết thực với xã hội như vậy, làm thế nào để phụ huynh và học sinh tiếp cận được?”, “Làm thế nào để trao cơ hội học tập của trường tới các bạn trẻ để các bạn có nghề, có nghiệp trong tương lai”, “Làm thế nào để Quân nhân xuất ngũ, nhóm người yếu thế được học nghề, giới thiệu việc làm và khởi nghiệp thành công”. Bởi với cô giáo Trần Thị Kim Oanh: “cho vàng, cho bạc không bằng cho nghề, cho nghiệp”.
Trao “cơ hội học tập” của nhà trường cho thế hệ tương lai, cô Oanh tham gia tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận,… Là người tiếp xúc với nhiều lượt phụ huynh, học sinh nhưng với mỗi em, cô đưa ra những định hướng khác nhau, phù hợp với đam mê, sở trường cũng như điều kiện kinh tế của từng gia đình học sinh. Có những phụ huynh, những bạn học sinh phải tư vấn nhiều lần; có những giai đoạn cao điểm, cô vẫn kịp thời giải đáp, mang “cơ hội học tập – cơ hội việc làm” tới cho các bạn trẻ. Hình ảnh những ngày đầu trong việc “truyền lửa”, “tiếp lửa” của cô và các đồng nghiệp để công tác tuyển sinh của trường đạt hoặc vượt chỉ tiêu đề ra mãi là những hình ảnh đẹp tôi ghi nhớ trong suốt những năm công tác của mình.
Hành trình “gieo” và “trồng”:
Năm 2020, 2021; trước những khó khăn thách thức do dịch bệnh Covid – 19 để lại, ngành giáo dục cũng không phải ngoại lệ. Cô và các cộng sự đã thành lập nhóm tư vấn tuyển sinh online. Hàng ngày, những thông tin, hình ảnh về các ngành nghề đào tạo được mọi người cập nhật, chia sẻ, lan tỏa qua nhiều cách, dưới nhiều hình thức khác nhau như facebook, zalo,….
Hành trình “gieo” và “trồng” của chị cùng các đồng nghiệp khiến chúng tôi liên tưởng tới câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, minh chứng rất rõ cho công tác dân vận cũng như sức mạnh của tập thể khi đồng lòng một khối.
Giàu nhiệt huyết và trách nhiệm, nhiều năm trong nghề giáo, cô Trần Thị Kim Oanh đã giúp nhiều học sinh lựa chọn đúng lĩnh vực nghề nghiệp của mình và thành công. Với những người làm Thầy, không gì hạnh phúc hơn khi chứng kiến các thế hệ học trò trưởng thành, những “mầm xanh” được gieo ngày nào vươn lên cho một ngày mai…có nắng!
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cô tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động của cơ quan, đẩy mạnh việc: “học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”; tham mưu xây dựng chuẩn mực cho Chi bộ; đẩy mạnh việc tuyên truyền học tập và làm theo Bác Hồ; dám nghĩ, dám làm; nâng cao tinh thần đồng chí, đồng nghiệp, gắn nhiệm vụ tuyển sinh vào nhiệm vụ giảng dạy của mình và nhiệm vụ chung của nhà trường. Trong nhiều năm, cô Trần Thị Kim Oanh vinh dự nhận Danh hiệu: “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, Giáo viên dạy giỏi, Đảng viên xuất sắc, được UBND TP Hà Nội trao tặng Bằng khen… Chia sẻ về những thành tích của mình, cô khiêm tốn nói: “Ở bất cứ vị trí nào của bản thân, tôi luôn tâm nguyện phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất có thể. Tuy nhiên, để thành công, sự cố gắng hay năng lực của bản thân là không đủ. Tôi biết ơn sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo; sự phối hợp, tạo điều kiện của các đồng nghiệp“,…
Trao đổi với chúng tôi, cô Oanh cho biết: “Sau khi quá trình sáp nhập hai trường được hoàn tất, tôi tham gia công tác tuyển sinh và tôi xác định đó là nhiệm vụ song song với hoạt động giảng dạy của mình để trao cơ hội học tập – cơ hội việc làm cho các bạn trẻ. Trong thời gian tới, tôi sẽ dành nhiều thời gian để tư vấn học nghề cho nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội”.
Yêu nghề giáo, cô Trần Thị Kim Oanh đã cùng các đồng nghiệp đã và đang thực hiện tốt công tác phân luồng; giúp nhiều học sinh nhận ra sớm hơn con đường mình sẽ rẽ trong tương lai; giúp xã hội phần nào thay đổi tư duy sính bằng cấp, có cái nhìn đúng đắn hơn về học nghề; giúp hình ảnh và thông tin tuyển sinh của trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đến với nhiều hơn các em học sinh. Nhìn vào ánh mắt của cô, đâu đó chúng tôi thấy ánh lên niềm vui và sự hạnh phúc khi trao “cơ hội học tập – cơ hội việc làm” cho thế hệ tương lai của đất nước.
“Cho vàng, cho bạc không bằng cho nghề, cho nghiệp” – Tri thức cho đi, tri thức lan tỏa!