Trở về từ Mỹ, Nguyễn Phương Anh, 22 tuổi, chia sẻ trên NPR trải nghiệm ở khu cách ly tập trung, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.
Phương Anh (Kai Nguyễn) là sinh viên năm cuối khoa Báo Ảnh, Đại học Syracuse, thành phố Syracuse, bang New York. Khi New York xuất hiện những ca nCoV đầu tiên, Phương Anh đã tính đến chuyện trở về Việt Nam vì lo ngại nếu nhiễm bệnh sẽ không có khả năng chi trả viện phí.
Ngày 16/3, Đại học Syracuse thông báo tạm đóng cửa, chuyển sang học trực tuyến, Phương Anh tìm mua vé máy bay trở về Việt Nam. Ban đầu, cô đặt vé của hãng hàng không Qatar nhưng đến ngày 18/3 chuyến bay bị hủy. Trong tối đó, Phương Anh tìm được chuyến bay của Việt Nam Airlines hợp tác với hãng hàng không Delta của Mỹ, quá cảnh tại Nhật.
Chuyến bay từ New York đến Hà Nội hạ cánh xuống sân bay Nội Bài ngày 21/3, toàn bộ hành khách phải cách ly. Dù chưa thể đoàn tụ với bố mẹ, cô vẫn yên tâm với biện pháp chống dịch của nhà nước nhằm đảm bảo hạn chế lây lan virus. Trong những ngày ở khu cách ly tập trung trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), chụp ảnh giúp Phương Anh tạm quên đi những băn khoăn về tương lai, lưu giữ trải nghiệm cá nhân.
Với mong muốn bạn bè quốc tế thấy được một phần nỗ lực chống Covid-19 ở Việt Nam, Phương Anh đã gửi bài viết cho giảng viên ảnh tại trường đại học để thầy nhận xét trước khi gửi báo. Câu chuyện về những ngày cách ly của cô được thầy giáo đánh giá là “có tiềm năng”. Thầy đã thay Phương Anh gửi bài viết cho biên tập viên ảnh của một số tờ báo Mỹ.
Nhận xét của thầy giáo đã tiếp thêm niềm tin cho Phương Anh. Tuy nhiên, khi biên tập viên ảnh của NPR (National Public Radio, trụ sở tại Washington), liên hệ trao đổi kế hoạch đăng báo, cô vẫn cảm thấy ngạc nhiên xen lẫn vui mừng. Sau một tuần trao đổi và chỉnh sửa cùng các biên tập viên tờ báo, bài viết “Quarantine in Vietnam: Scenes From Inside A Center For Returning Citizens” (Kiểm dịch tại Việt Nam: Bên trong khu cách ly cho công dân về nước) được đăng trên mục những câu chuyện ảnh ngày 6/4.
“Sau khi tác phẩm được đăng báo, bạn bè, thầy cô tại trường học đã nhắn tin, gọi điện chúc mừng và bày tỏ niềm vui vì mình đã về nhà an toàn”, Phương Anh kể.
Hiện Phương Anh đã hoàn thành 14 ngày cách ly và trở về nhà tại Hà Nội. Mỗi buổi tối, cô học trực tuyến từ 20h đến 1h sáng. Đại học Syracuse thông báo sinh viên năm cuối sẽ tốt nghiệp đúng thời hạn vào tháng 5 nhưng lễ tốt nghiệp bị hủy, có thể tổ chức bù vào kỳ học mùa thu. Thời gian này, Phương Anh tập trung học và lên ý tưởng thực hiện khóa luận tốt nghiệp là dự án ảnh.
Dưới đây là bài viết của Phương Anh trên báo điện tử của đài NPR.
“Thường khi về đến nhà ở Hà Nội, tôi sẽ đi xe máy ra đường ngay trong ngày, lượn lờ trong làn xe đông đúc của thủ đô, đi qua những hàng cà phê và quán ăn vỉa hè nhỏ. Cảm giác phấn khích khi lách kịp qua biển người đi bộ, xe máy, và ôtô làm tôi cảm thấy tự do kỳ lạ.
Thế nhưng lần này lại khác. Tôi may mắn mua được một trong những tấm vé máy bay cuối cùng rời khỏi Syracuse, nơi tôi theo học ngành Báo Ảnh, Đại học Syracuse. Sau một chuyến đi kéo dài 30 tiếng với rất nhiều hành khách đeo khẩu trang, găng tay và kính bảo vệ, thay vì đi qua cánh cửa tự động nơi bố và ông nội tôi luôn đợi đón, tôi được đưa lên xe buýt tới khu cách ly ở phía bên kia thành phố. Xe buýt được phun khử trùng.
Nơi cách ly tập trung của chúng tôi là ký túc xá trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, một trong những địa điểm được chuẩn bị để cách ly những người Việt Nam trở về từ khắp nơi trên thế giới. Phòng của tôi có 8 người, chia thành 4 chiếc giường tầng. Chúng tôi luôn cố gắng giữ khoảng cách với nhau xa nhất có thể và luôn đeo khẩu trang, trừ khi ăn uống.
Đêm đầu tiên bước chân tới khu cách ly, phòng của tôi đã được chuẩn bị sẵn màn, chăn gối, giấy vệ sinh và xà phòng rửa tay. Sáng hôm sau, chúng tôi được phát thêm cốc, khăn mặt, dầu gội, sữa tắm và móc treo quần áo.
Mỗi ngày, một người sẽ được nhận 3 suất cơm cùng khẩu trang và nước rửa tay. Các phòng đều được khử trùng thường xuyên. Vài ngày sau khi tới đây, chúng tôi được xét nghiệm Covid-19. Tất cả mọi thứ đều miễn phí.
Cuộc sống ở đây rất dễ dàng. Tôi không thể phàn nàn gì. Tuy nhiên, tôi không có việc gì để làm ngoài ăn và ngủ, nên ngoài làm bài tập về nhà thì tôi chơi game trên điện thoại, đi bộ quanh khu, và chụp ảnh để giữ đầu óc tỉnh táo.
Tôi biết rằng trong một đại dịch toàn cầu, nếu chỉ thấy buồn chán thì tôi quá may mắn. Thế nhưng cùng lúc, tôi khó có thể không hụt hẫng. Khoảng thời gian ở Mỹ của tôi bị cắt ngắn và tôi không biết khi nào mới có thể quay lại. Trường tôi đã hủy lễ tốt nghiệp vào tháng 5 này và bố mẹ tôi cũng phải hủy kế hoạch sang Mỹ để xem tôi mặc bộ đồ cử nhân.
Với tất cả thời gian rảnh có ở đây thì tôi lại càng nghĩ về các bạn ở Mỹ, nhớ về những khoảng thời gian chúng tôi đi chụp ảnh cùng nhau, giúp nhau biên tập các dự án, những buổi đi ăn uống và tâm sự. Việc phải chia tay các bạn đột ngột làm tôi rất buồn.
Ngay trong khu cách ly này, rất nhiều mảnh đời đã bị đảo lộn theo nhiều cách. Một chị ở cùng phòng với tôi đã về nước cùng với hai đứa con 2 và 5 tuổi, trong khi chồng vẫn đang làm việc tại Nhật Bản. Gia đình họ nói chuyện hàng tiếng mỗi buổi tối. Một em khác là sinh viên của một đại học ở Ohio cũng đang cố gắng theo kịp các lớp online qua Zoom ở nơi cách Việt Nam 11 múi giờ. Một chị khác thì phải tạm hoãn đám cưới.
Có một chú mặc quân phục là chỉ huy khu cách ly của chúng tôi. Có lần chú nhắc nhở một người không chịu đeo khẩu trang. Chú cũng thường mong bà con thấu hiểu cho những vất vả của nhân viên y tế tại đây, những người mà chú trìu mến gọi là “anh em”.
Ngay cả khi đang mặc những bộ đồ bảo hộ, những nhân viên y tế đều đang đánh cược sức khỏe của họ. Họ cũng sẽ phải cách ly thêm 2 tuần sau khi những người cuối cùng ra khỏi khu cách ly. Chúng tôi vỗ tay cổ vũ tinh thần cho họ, mong họ hiểu chúng tôi biết ơn vì sự hy sinh của họ”.
Theo Tú Anh/Vnexpress.net
Xem Tin gốc Tại đây.