Đó là câu hỏi mà TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội – đặt ra khi nói về câu chuyện định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ.
Theo TS Phạm Xuân Khánh, tỷ lệ lao động của nước ta qua đào tạo còn thấp, thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực, thợ lành nghề. Các kỹ năng như ngoại ngữ, tin học của người lao động thấp, kỷ luật lao động chưa tốt, tỷ lệ thất nghiệp cao trong nhiều năm.
TS Phạm Xuân Khánh dẫn báo cáo khảo sát chất lượng đào tạo kỹ thuật và dạy nghề của Tổ chức JICA (Nhật Bản) tiến hành với 76 doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước cho hay sinh viên tốt nghiệp các trường giáo dục nghề nghiệp có kỹ năng cơ bản tốt, chăm chỉ, tuân thủ quy định. Tuy nhiên, nhiều người có tinh thần, thái độ và trách nhiệm làm việc không cao.
Ông Phạm Xuân Khánh đặt câu hỏi nguồn nhân lực của chúng ta dồi dào, nhưng tại sao các doanh nghiệp vẫn thiếu lao động?
TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường. |
“Nhiều doanh nghiệp đã phải thuê lao động nước ngoài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất nghiệp ngày càng gia tăng của nước ta hiện nay”, ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, các nguồn đầu tư FDI (nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) vào Việt Nam đã và sẽ bị suy giảm nếu không có sự thay đổi về chất lượng đào tạo nhân lực trong thời gian tới. Chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu về nguồn nhận lực, đang dần mất đi lợi thế về chi phí lao động thấp.
Chính vì vậy, các cơ sở dạy nghề luôn cố gắng tìm giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, quan trọng hơn cả là đảm bảo chất lượng đào tạo.
Phỏng vấn sinh viên xin việc. Ảnh: Cao đẳng Y Dược Pasteur. |
Hiệu trưởng Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho rằng để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tuyển sinh, nâng cao chất lượng, số lượng đầu vào.
Thực tế cho thấy đào tạo nghề còn gặp khó khăn về tuyển sinh. Nhiều em lựa chọn học nghề là phương án cuối nên không mặn mà. Trong khi đó, sinh viên ra trường phải đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp về cả kiến thức, kỹ năng, thái độ.
Vì vậy, công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong nhà trường phổ thông cần được chú trọng. Đồng thời, các trung tâm về trải nghiệm sáng tạo và định hướng nghề nghiệp cần tư vấn kỹ cho học sinh trước khi các em lựa chọn nghề. Ông Phạm Xuân Khánh đánh giá đây là giải pháp phân luồng có hiệu quả nhất hiện nay.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM – cho rằng trong bài toán của hệ thống giáo dục, giáo dục nghề nghiệp phải đặt trong khuôn khổ chung và là bài toán cần ưu tiên giải quyết đầu tiên. Hiện nay, nhiều trường đào tạo nghề phải tìm cách lôi kéo sinh viên, không tuyển đủ chỉ tiêu.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: Phước Tuần. |
“Học sinh phổ thông tốt nghiệp đăng ký, Bộ GD&ĐT làm riêng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp làm riêng, không chia sẻ cơ sở dữ liệu. Chương trình đào tạo chạy riêng như hai đường thẳng song song, làm sao chúng ta liên kết với nhau được?”, ông Dũng đặt câu hỏi.
Một số chuyên gia khác cũng cho rằng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học là 4 khối trong hệ thống giáo dục quốc dân, cần được đánh giá và coi trọng ngang nhau, mới có thể tạo thành chỉnh thể GD&ĐT. Giáo dục nghề nghiệp cũng phải được đầu tư chuẩn mực như giáo dục đại học.
Nguồn: News.zing.me