TÁC PHẨM DỰ THI CUỘC THI VIẾT
Về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội năm 2024.
Họ tên người viết: Phí Thị Hằng Nga
Ngày sinh: 29/9/1986
Số điện thoại: 0988.362.872
Chức vụ/Đơn vị công tác: Biên tập viên Trung tâm Tuyển sinh và GQVL
Họ tên nhân vật: Lê Thị Thu Hằng
Ngày sinh: 4/3/1989
Chức vụ/Đơn vị công tác: Giảng viên GDNN lý thuyết – Khoa Khoa học cơ bản – Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội
Bài dự thi
NỮ GIẢNG VIÊN LÊ THỊ THU HẰNG – “SỐNG LÀ CHO, ĐÂU CHỈ NHẬN RIÊNG MÌNH…”
Nếu cuộc đời là một “bản ca” vô tận thì lối sống chia sẻ, cho đi tựa như “nốt trầm sâu lắng”, mang tới giá trị nhân sinh sâu sắc về cách ứng xử giữa người với người trong cuộc sống. Sống bác ái, biết sẻ chia không chỉ mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân mà còn góp phần dựng xây một xã hội tốt đẹp và phồn thịnh.
“Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” – câu chuyện đầy ý nghĩa về sự cho đi, gieo “mầm” thiện lành, “mầm” tốt của nữ Giảng viên Lê Thị Thu Hằng (Khoa Khoa học cơ bản) trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội là câu chuyện chúng tôi muốn lan tỏa.
Cống hiến tuổi xuân cho nghề cao quý:
Tốt nghiệp trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh với tấm bằng loại Giỏi, cô Hằng “đầu quân” về công tác tại Khoa Khoa học cơ bản trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (nay là trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội) với vị trí việc làm là Giảng viên giảng dạy các môn Giáo dục thể chất. Hơn 12 năm làm nghề giáo, cô luôn được các đồng nghiệp tin yêu. Với các thế hệ học trò, cô Thu Hằng như “người mẹ thứ hai” của học sinh – sinh viên nhà trường, được các em trìu mến gọi bằng hai tiếng: “U Hằng”!
Với tinh thần trách nhiệm và lương tâm của một nhà giáo, cô luôn đặt chất lượng giáo dục và nề nếp của học sinh – sinh viên là tiêu chí hàng đầu. Đồng thời, bản thân cô không ngừng phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Giáo dục thể chất – môn học không phải là thế mạnh và niềm yêu thích của phần đông học sinh – sinh viên. Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, cô trăn trở để tìm ra phương pháp dạy học mới, tạo hứng thú học tập cho các em, biến những tiết học thể dục tưởng chừng như khô khan, mất sức trở thành những giờ học thú vị, vui nhộn và gắn kết. Những ý tưởng mà cô ấp ủ, “thai nghén” đã được hiện thức hóa thông qua các Câu lạc bộ Thể dục – Thể thao trong toàn trường. Cô trở thành ngưởi tiên phong trong việc đề xuất mô hình các Câu lạc bộ (Câu lạc bộ Bóng đá, Bóng bàn, Cầu lông, Cờ vua, E – rô – bic,…) áp dụng vào giảng dạy bộ môn Giáo dục thể chất tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Từ đó, khơi gợi tình yêu môn học cũng như phát triển tối đa “Trí thông minh thể chất” trong mỗi học sinh – sinh viên.
Học tập qua mô hình các Câu lạc bộ, cô Thu Hằng đã lan tỏa tinh thần thể thao cao thượng cho các bạn trẻ, tăng cường tinh thần đoàn kết. Chẳng dừng lại ở đó, từ mỗi Câu lạc bộ, nhiều “hạt giống” được “ươm mầm”, trở thành những đại diện tiêu biểu của nhà trường tham gia Hội khỏe, Hội thao và nhiều giải đấu các cấp,…
Tại Khoa Khoa học cơ bản, nơi cô Lê Thị Thu Hằng công tác, đơn vị thực hiện việc quản lý nề nếp của học sinh hệ Cao đẳng 9+ (hệ THPT – Cao đẳng). “Gieo hành động, gặt thói quen”, cô đã đề xuất thành lập và đưa vào hoạt động các nhóm học sinh tự quản, đội Sao Đỏ. Sau quá trình triển khai, sĩ số các lớp học được duy trì tốt, đồng thời tăng tinh thần thi đua giữa các tập thể trong cùng một khối, giữa các khối trong toàn trường.
Chủ động nghiên cứu các mô hình mới, các phương pháp dạy học, cô Hằng vinh dự đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường trong nhiều năm liên tiếp.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…
“Còn có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau”…
Tham gia công tác Đoàn – Hội, cô Lê Thị Thu Hằng càng có nhiều cơ hội để lan tỏa tinh thần thiện nguyện trong học sinh – sinh viên, gieo “những mầm” thiện lành cho các thế hệ trẻ. Với ý nguyện muốn cho đi, hàng năm cô đều chủ trì phát động nhiều chương trình hướng tới cộng đồng và các đối tượng yếu thế. Tiêu biểu như: hoạt động quyên góp hỗ trợ cho các em nhỏ mồ côi tại Làng trẻ Hữu Nghị; gây Qũy: “Tết ấm no” cho học sinh hệ Cao đẳng 9+ của trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội; vận động mọi người tham gia hiến máu tình nguyện; quyên góp sách, vở, đồ dùng học tập cho các em nhỏ vùng núi khó khăn; xây dựng mô hình Thư viện sách tại Khoa Khoa học cơ bản nhằm duy trì văn hóa đọc trong học sinh – sinh viên,…
Mọi hành động, mọi việc tốt cô gieo đều xuất phát từ trái tim với tâm niệm: “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Vì lẽ đó, các phong trào do cô gây dựng đều nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng cao từ tập thể Khoa đến cán bộ, viên chức, người lao động và học sinh – sinh viên trong toàn trường.
Trong một lần trò chuyện, cô Hằng chia sẻ: “Trường mình còn nhiều học sinh – sinh viên nghèo lắm. Trong tất cả các chương trình thiện nguyện, tôi vẫn muốn duy trì Qũy Tết ấm no, để làm sao ít nhất tặng được vé xe về quê cho các em và những cặp bánh chưng xanh được gói bằng cả tấm lòng của mỗi thầy cô giáo”. Chúng tôi thấu hiểu những trăn trở của cô và cùng cô tổ chức thành công nhiều chương trình: “Tết sum vầy” “Tết ấm no”, tặng nhiều suất quà cho học sinh – sinh viên nghèo của trường trước thềm Năm mới!
Mỗi hành động, một ý nghĩa, dù chẳng đao to búa lớn nhưng những việc làm của cô Hằng đã lan tỏa tinh thần: “tương thân, tương ái” trong môi trường học đường, thức tỉnh trong thế hệ trẻ về tình yêu người, yêu đời, cho đi và cống hiến…Tuy không làm công tác giáo viên chủ nhiệm nhưng với mỗi học sinh, sinh viên hệ THPT – Cao đẳng nói riêng và trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội nói chung, cô Hằng như “người mẹ thứ 2” ân cần dạy bảo các em không chỉ là những bài học trên lớp. Chúng gọi cô bằng hai tiếng thân thương “U Hằng”. Mỗi dịp sinh nhật của cô hay những ngày lễ đặc biệt, chúng tôi đều bắt gặp những hình ảnh đẹp của sự sum họp, tề tựu giữa Cô và Trò.
Yêu thương cho đi, yêu thương nhận lại. Chúng tôi hy vọng: câu chuyện về sự cho đi của nữ Giảng viên Lê Thị Thu Hằng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội sẽ chạm đến trái tim của nhiều người. Hành trình phía trước còn rất dài và khó khăn cũng không ít nhưng chúng tôi cảm nhận được ở cô có sức mạnh của nghị lực, đam mê và niềm tin vào những mục tiêu phấn đấu./.