TÁC PHẨM DỰ THI CUỘC THI VIẾT
Về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội năm 2024
Họ tên người viết: Trịnh Thị Mai
Ngày sinh: 18/12/1981
Số điện thoại: 0904151771
Chức vụ/Đơn vị công tác: Phó trưởng Phòng Tổ chức – Hành chính
Họ tên nhân vật: NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh
Ngày sinh: 02/9/1967
Chức vụ/Đơn vị công tác: Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng – Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội
Bài dự thi
NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh – “Thủ lĩnh của chúng tôi”.
Nhìn vào sự bề thế, hiện đại của Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) hiện nay, ít người có thể tưởng tượng hết sự vất vả, ý chí, khả năng chèo lái của NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường, cùng đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường suốt thời gian thành lập từ 2010 đến nay.
Muốn có trò giỏi, phải có thầy cô giỏi
Cao đẳng Công nghệ cao hệ cao Hà Nội (HHT) được “khai sinh” vào năm 2010, với ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Thầy Phạm Xuân Khánh khi ấy đang là Trưởng khoa Điện, tử của Đại học Công nghiệp Hà Nội, đã được UBND thành phố Hà Nội bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng HHT từ đó đến nay.
Được theo dõi và chứng kiến những ngày đầu gian nan vất vả của đội ngũ thầy cô giáo Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội mới thực sự nể phục nghị lực và ý chí của “người cầm lái con tàu HHT” Phạm Xuân Khánh. Đất đai sẵn có nhưng lại nằm ở vị trí hẻo lánh, giao thông không thuận lợi, cơ sở trường lớp đang xây dựng ngổn ngang, học sinh rất ít, nguồn tuyển khó khăn bởi cơ chế chính sách ở nhiều địa phương khi đó còn coi trọng bằng cấp đại học, không tuyển dụng nhân lực hệ cao đẳng giáo dục nghề nghiệp.
Trong khi đó, hệ thống giáo dục đại học lại “mở rộng cửa” đón nhận học sinh sau tốt nghiệp THPT. Chính điều này đã tác động tới tư duy của các bậc phụ huynh, họ mong muốn con em họ được học đại học để có tương lai và “sang chảnh” hơn lựa chọn học giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên vừa thiếu, vừa khó thu hút do thu nhập thấp nên tâm lý các thầy cô chán nản. Khó khăn chồng chất khó khăn.
Làm thế nào để con tàu chất lượng cao ra khơi? Đó là câu hỏi “thuyền trưởng” Phạm Xuân Khánh trăn trở đặt ra cho chính mình. Muốn có trò giỏi, phải có thầy cô giỏi, muốn “con tàu” vươn xa phải có những máy cái tốt. Và ông đã chọn hướng đi bắt đầu từ đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ giáo viên, những người sẽ cùng ông vận hành “con tàu chất lượng”.
Cũng vì thế những ngày đầu, dù trong điều kiện thiếu thốn trăm bề nhưng ban lãnh đạo nhà trường vẫn tập trung cho công tác tuyển dụng, đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ năng động, sáng tạo, cùng tâm huyết đi tới mục tiêu xây dựng nhà trường theo mô hình đào tạo chất lượng cao. Bài toán chất lượng cao bắt đầu được giải từ đây.
Để phát triển phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo
Bên cạnh những khó khăn, HHT cũng may mắn có được sự quan tâm của Tổng cục GDNN và đặc biệt là của UBND TP Hà Nội. Những năm gần đây các trường thuộc hệ thống GDNN đã được nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở trường lớp, mua sắm trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, chuyển giao công nghệ chương trình giáo trình quốc tế một số nghề trọng điểm.
Nắm bắt cơ hội, chủ động, linh hoạt với những hướng đi “bứt phá”, NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh cùng tập thể đội ngũ, cán bộ, giáo viên đã đẩy “con thuyền HHT” từng bước vươn xa với số lượng học sinh, sinh viên theo học ngày càng đông, tỷ lệ vào trường năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo trên 5.000 học sinh, sinh viên ở các hệ Cao đẳng, Trung cấp và hệ 9+ với trên 40 nghề đào tạo.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, bên cạnh nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, giáo viên thì hợp tác quốc tế là con đường ngắn nhất để đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của nhà trường nâng tầm chất lượng. Dấu ấn của HHT chính là chủ động hợp tác với quốc tế và hợp tác với doanh nghiệp trong linh hoạt xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; đưa sinh viên đến học, thực tập tại doanh nghiệp, khai thác cơ sở vật chất thiết bị các doanh nghiệp; đào tạo theo phương thức chuyển giao công nghệ đạt chuẩn quốc tế ở một số nghề: Công nghệ ô tô, Cơ khí, Điện- Điện tử, Chăm sóc sắc đẹp… hợp tác với các tổ chức quốc tế như Australia, Đức, Hàn Quốc… để đào tạo, công nhận, cấp văn bằng, chứng chỉ kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho sinh viên.
Với hướng đi này, HHT đã tạo nên giá trị thương hiệu, có tầm ảnh hưởng hấp dẫn thị trường lao động, chất lượng đào tạo được khẳng định qua các chương trình ký kết đào tạo theo “Đơn đặt hàng” từ phía doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điển hình là chương trình đào tạo 800 sinh viên cho Tập đoàn Hanwha- một trong 7 Tập đoàn kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc, đào tạo 1.000 sinh viên cho các Tập đoàn AGRIMECO, PMC, HOMECARE…
Trong giải pháp phát triển của nhà trường, HHT là đơn vị duy nhất có 100% sinh viên đến lớp có giáo trình riêng của nhà trường do nhà trường biên soạn, cán bộ giáo viên có nhiều đề tài nghiên cứu vừa học kết hợp với thực hành, kết hợp với nghiên cứu, kết hợp với sản xuất làm ra sản phẩm và kết hợp thương mại hóa sản phẩm.
Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Nhà trường đã có Bản cam kết“ Giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp”. Theo đó, Nhà trường cam kết 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra (đảm bảo kiến thức, kỹ năng và thái độ theo yêu cầu của chương trình đào tạo), sẽ được nhà trường giải quyết việc làm trong và ngoài nước với mức thu nhập từ 5.000.000- 15.000.000 đồng/ 1 tháng. Cam kết này được cụ thể hóa bằng Hợp đồng đào tạo khi sinh viên nhập học, trong đó có sự ký kết giữa nhà trường, gia đình và sinh viên.
Mục tiêu thành trường thương hiệu chuẩn quốc tế
Hiện nay, HHT đã và đang thu hút được nhiều Doanh nghiệp Quốc tế phối hợp xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả như: Công ty Proaim ( Nhật Bản) cùng khoa Điện- Điện tử xây dựng Trung tâm Nghiên cứu năng lượng tái tạo, vừa sản xuất điện năng lượng mặt trời phục vụ cho công tác đào tạo, vừa nghiên cứu phát triển năng lượng sạch; Tập đoàn Wasserkabel- CHLB Đức tài trợ cho Nhà trường hệ thống điều hòa không khí để sinh viên được học tập công nghệ điều hòa nhiệt độ mới của Đức với nhiều doanh nghiệp; HHT hợp tác với Tập đoàn AVESTOS và Trung tâm đào tạo nghề Công nghệ cao BTZ- Đức trong chương trình đào tạo nguồn nhân lực lành nghề, kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn Châu Âu đáp ứng yêu cầu của Đề án xây dựng Nhà trường trở thành trường chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Tập đoàn AVESTOS sẽ đào tạo cho 20 cán bộ giáo viên của trường áp dụng mô hình đào tạo nghề của Đức.
Trường được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lựa chọn 8 nghề đầu tư trọng điểm cấp độ Quốc tế. Trong đó, tổ chức triển khai đào tạo thí điểm 3 nghề theo chương trình chuyển giao từ Úc gồm Cơ điện tử, Điện công nghiệp, Thiết kế đồ họa và nghề Công nghệ ô tô theo chương trình của Cộng hòa Liên bang Đức. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp và các hãng của Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đầu tư và chuyển giao công nghệ trong nghề tóc, nghề làm đẹp…
Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, dưới sự “chèo lái” của NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã giành được nhiều thành tựu nổi bật: 01 Huân chương Lao động hạng Hai, 02 Huân chương Lao động hạng Ba; 05 Cờ thi đua xuất sắc và 07 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 11 Cờ thi đua xuất sắc của UBND TP Hà Nội và hơn 300 Bằng khen của các Bộ, Ban, ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, Trung ương đoàn, Thành đoàn….; hàng trăm sinh viên giành huy chương, chứng chỉ nghề xuất sắc tại Kỳ thi kĩ năng nghề các cấp,.. Ghi nhận những đóng góp, cống hiến của thầy đối với nhà trường và sự nghiệp GDNN, GDĐT, NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh vinh dự được Nhà nước trao tặng 01 Huân chương Lao động hạng Hai, 01 Huân chương Lao động hạng Ba, 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và hàng trăm Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các Bộ, Ban, ngành khác.
Hiện tại, với cương vị Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường, NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh vẫn tiếp tục cùng Đảng ủy – Ban giám hiệu nhà trường đưa trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội phát triển lên một tầm cao mới.