“Có lẽ chị có duyên với nghề Hàn” đó là câu trả lời của cô giáo Trần Thị Hằng – Giảng viên bôn môn Hàn – Khoa Cơ khí khi trả lời câu hỏi của tôi cũng như rất nhiều câu hỏi tương tự mà mọi người đã hỏi trong suốt 11 năm qua.
Đến với nghề Hàn như một cơ duyên, nhưng quan trọng là phải yêu nghề, thương sinh viên thì cô Trần Thị Hằng mới có thể gắn bó với nghề lâu như vậy.
Năm 2012, chị ra trường và về công tác tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội nay là Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội với vị trí giảng viên khoa Cơ khí, ngành Công nghệ Hàn. Thấm thoắt đã 11 năm trôi qua, chị vẫn miệt mài mang kiến thức, tiếp lửa cho bao thế hệ học trò trên con đường học nghề. Chị Hằng luôn tâm niệm, làm gì cũng được, miễn là yêu công việc của mình.
Bên cạnh những niềm vui, công việc giảng dạy nghề Hàn cũng có những khó khăn riêng. Nữ giáo viên sinh năm 1987 cho hay, với nghề Hàn, không chỉ dạy lý thuyết mà còn dạy cả thực hành. Thời gian thực hành chiếm đến 70%, muốn dạy tốt, truyền tải kiến thức cho các em một cách hiệu quả, bản thân giáo viên phải có tay nghề tốt. Nếu không thường xuyên trau dồi kiến thức và kỹ năng, sẽ khó đáp ứng được công việc. Có những ngày, chị mày mò nghiên cứu ở xưởng thực hành một mình đến khuya.
Đặc thù của nghề này là gắn với máy móc, thiết bị, dầu mỡ… cả ngày mặc quần áo bảo hộ, tay chân lấm lem. Chị Hằng thừa nhận, đôi khi mình cũng thấy tủi thân vì không được mặc áo dài hay váy vóc trên lớp như các đồng nghiệp bên mảng dạy văn hóa. Thế nhưng, khi nhìn lại thành quả đào tạo ra những người thợ có tay nghề cao, mọi nhọc nhằn và vất vả như tan biến.
Không những giỏi chuyên môn, chị Hằng còn đạt thành tích Tham gia cuộc thi Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp HHT 2017 . Kết quả đạt giải nhì theo QĐ số 622/QĐ-CĐNCNC của trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; Tham gia cuộc thi “sản phẩm có khả năng thương mại hóa” do Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Kết quả đạt giải nhì theo quyết định của Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Đối với sinh viên: Chị Hằng quan tâm đến hoàn cảnh của từng em học sinh mình giảng dạy, động viên an ủi, giúp đỡ các em kịp thời, nhất là những khi các em gặp khó khăn, tạo môi trường gần gũi, thân thiện với học sinh của mình, tạo không khí vui vẻ thoải mái trong sinh hoạt, nghiêm túc và hỗ trợ lẫn nhau trong học tập. Chị Hằng chia sẻ: Đối với các em sinh viên yếu thì mình kèm thêm, các em sinh viên có kĩ năng nào tốt thì mình bồi dưỡng phát triển kĩ năng đó. Các em sinh viên đều được cô giáo Hằng giúp đỡ tìm việc nếu chưa có việc làm ngay.
Các em sinh viên học nghề Hàn chủ yếu là các em có hoàn cảnh khó khăn giống hoàn cảnh của cô Hằng năm xưa, chính vì vậy cô Hằng càng thêm thấu hiểu, và hoàn thiện bản thân mình hơn, trở thành người giáo viên giản dị, gần gũi và cố gắng hết mình trong công việc để các em sinh viên lấy đó làm tấm gương noi theo.
Hình ảnh cô giáo Hằng hơn 10 năm qua với mái tóc ngang lưng được buộc gọn, mặc bộ quần áo bảo hộ và thường nở nụ cười trên môi là hình ảnh rất quen thuộc và đáng mến đối với đồng nghiệp và bao thế hệ sinh viên. Cô giáo Hằng vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp dạy nghề Hàn của mình như để khẳng định với mọi người và sinh viên rằng: Phụ nữ đều có thể làm được các công việc mà số đông nghĩ chỉ nam giới mới làm được và dù trong hoàn cảnh nào, chỉ cần bản thân có cố gắng là sẽ có tương lai tốt đẹp.