Với mục tiêu nâng cao an toàn ngành Thang máy, hướng đến “thương mại không rào cản”, thúc đẩy thành công sự phát triển bền vững và mở khóa tăng trưởng xanh cho lĩnh vực Thang máy tại Việt Nam; Hiệp hội Thang máy VNEA phối hợp với Hiệp hội Thang máy – Thang cuốn châu Á Thái Bình Dương tổ chức Hội thảo: “Thông tin Thang máy Quốc tế PALEA/VNEA”.
Sự kiện là một phần trong nỗ lực của VNEA nhằm tăng cơ hội hội nhập Quốc tế cho ngành Thang máy Việt Nam. Chương trình mang tính chất toàn cầu, quy tụ sự tham gia của các cơ quan nhà nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tiêu biểu: Cơ quan An toàn Thang máy Hàn Quốc (KoEL – SA), Hiệp hội Nhà thầu Thang cuốn Hồng Kông (LECA), Cục Xây dựng và Công trình Singapore (BCA),… cùng nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Thang máy và phụ trợ trên thế giới như: Schindler, Otis, Kone, Fujitec, Mitsubishi, Hitachi, Wittus,… Bên cạnh đó là sự đồng hành của các chuyên gia, lãnh đạo từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy và phụ trợ trong khu vực: Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Cục An toàn lao động, Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy VILEA cùng một số hội viên của VNEA (Gamalift, Gama Service, Vạn Sự Lợi, Mekamic,..
Với chủ đề: “Thông tin Thang máy quốc tế 2023 – Quy tắc và An toàn”, Hội thảo tập trung phân tích rõ thực trạng các vấn đề cấp thiết liên quan tới làn sóng khủng hoảng, thang máy cũ và các giải pháp bảo trì, hiện đại hóa hệ thống thang máy; đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành Thang máy tại khu vực và thế giới.
Thông qua những tham luận được các diễn giả trình bày tại Hội thảo, tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là hài hòa các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng như quy trình đánh giá hợp quy cho các sản phẩm thang máy, thang cuốn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thúc đẩy hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về thang máy:
Hiện nay, Việt Nam đã có những quy chuẩn, tiêu chuẩn về lắp đặt, thiết kế nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quá trình sử dụng thang máy. Việc hài hòa các quy chuẩn, tiêu chuẩn thang máy trong khu vực sẽ góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực do sự khác biệt về yêu cầu kỹ thuật trong an toàn, thiết kế, sản xuất và lắp đặt các sản phẩm thang máy và thang cuốn giữa các quốc gia. Hoạt động này cũng sẽ góp phần gia tăng tính di động cho nhân lực lắp đặt và bảo trì thang máy giữa các nước trong khu vực, quốc tế.