Với 70% chương trình là thực hành, các trường nghề phải đầu tư phần mềm mô phỏng, gửi sinh viên đến doanh nghiệp hay thực hiện “ba tại chỗ” ở trường.
Covid-19, đặc biệt đợt dịch thứ tư kéo dài từ cuối tháng 4 đến nay khiến hầu hết trường học trên cả nước phải đóng cửa, chuyển sang hình thức học trực tuyến. Trường nghề cũng không ngoại lệ. Nhưng học trực tuyến không thể đảm bảo hoàn thành chương trình với 70% khối lượng là thực hành, chưa nói đến chất lượng.
Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho hay: nhà trường phải xoay xở đủ cách từ sản xuất video quay lại quá trình làm một sản phẩm đến đầu tư phần mềm mô phỏng để các em dễ hình dung.
“Có những nghề rất dễ để học sinh thực hành tại nhà theo hướng dẫn của giáo viên như: Chăm sóc sắc đẹp hay Điện – Điện tử. Tuy nhiên, cũng có ngành nghề như Công nghệ ôtô hay Cơ khí, sinh viên không thể tự thực hành do không có thiết bị”, ông Khánh chia sẻ.
Một tiết thực hành tại trường của SV Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội trước khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Thông thường sinh viên các ngành này được thực hành, thực tập ở doanh nghiệp, tối thiểu 3-4 tháng mỗi năm, có nghề gần như học hoàn toàn ở doanh nghiệp. Trong đại dịch, việc doanh nghiệp đóng cửa hoặc hạn chế sản xuất ảnh hưởng nhiều tới cơ hội rèn luyện kỹ năng của các em.
“Khi thành phố áp dụng chỉ thị 16, chúng tôi đành khắc phục bằng dạy qua video, mô phỏng. Còn khi được nới lỏng, nhà trường phải cho sinh viên một số ngành đến thực hành tại trường với cam kết đảm bảo mật độ và các biện pháp phòng dịch”, ông Khánh nói.
Với những sinh viên học lớp chất lượng cao chương trình của nước ngoài, trường triển khai “ba tại chỗ”, để các em ăn, ngủ, học tại trường.
Không chỉ Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác trên cả nước (gồm 400 trường cao đẳng, hơn 460 trường trung cấp và gần 1.050 trung tâm giáo dục nghề nghiệp) cũng xoay xở đủ cách để sinh viên được thực hành nhiều nhất có thể.
Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội với hai cơ sở (ở Hà Nội và ở Vĩnh Phúc) phải tận dụng tối đa sự ủng hộ của địa phương và phụ huynh để cho sinh viên năm thứ hai và ba đến học trực tiếp từ đầu năm học này bởi “giáo dục nghề nghiệp không thể chỉ đào tạo trực tuyến”.
Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc cho hay: nhà trường đầu tư rất nhiều vào công nghệ, kể cả các phần mềm thực tế ảo. Nhưng nếu muốn đảm bảo đào tạo chất lượng cao gắn liền với nhu cầu doanh nghiệp, không thể xa rời được trang thiết bị thực tế. Vì vậy, trường cố gắng sắp xếp để nhiều sinh viên được thực hành nhất có thể.
Với các em ở Hà Nội, khi thành phố gỡ bỏ chỉ thị 16, trường báo cáo chính quyền, có phương án phòng, chống dịch cụ thể, cho các em cam kết “một cung đường, hai điểm đến” để đi học bình thường. Sinh viên các tỉnh khi đến học phải thực hiện “ba tại chỗ” ở trường ít nhất hai tuần đầu để đảm bảo an toàn. Nhà trường cũng liên hệ cơ quan y tế để tiêm phòng đầy đủ cho sinh viên.
Có xấp xỉ 3.500 sinh viên đến từ 40 tỉnh, thành, ông Ngọc cho biết có những em chưa thể đến trường học trực tiếp. Nhà trường buộc phải dạy trực tuyến, dù biết chất lượng không thể đảm bảo. Số này sẽ được bù đắp lại khi đi học trực tiếp. “Việc này có thể ảnh hưởng đến tiến độ học tập của các em nhưng chúng tôi đặt chất lượng lên hàng đầu”, ông Ngọc nói.
Là hội viên Hội Doanh nghiệp TP HCM – nơi quy tụ hàng chục nghìn doanh nghiệp – trường Cao đẳng Viễn Đông vẫn tìm kiếm được cơ hội cho sinh viên thực hành dù có khoảng 20% số doanh nghiệp có liên kết với nhà trường phải đóng cửa hoặc không nhận sinh viên thực tập trong thời gian dịch.
Hiệu trưởng – ông Trần Thanh Hải – cho biết trường phải mua một số thiết bị mô phỏng hiện đại từ Đức để giáo viên và học sinh có sự tương tác gần giống trực tiếp nhất khi học thực hành, thí nghiệm.
Từ tháng 5 đến giữa tháng 9, khi tình hình dịch ở TP HCM ở mức đặc biệt căng thẳng, việc thực tập của nhiều sinh viên, đặc biệt ngành Điều dưỡng, bị gián đoạn. Biết Bệnh viện Chợ Rẫy hay Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có nhu cầu lớn về tình nguyện viên, trường đã chia sẻ với sinh viên, để các em kết hợp hoạt động tình nguyện với thực tập. “Cách làm này giải quyết được tương đối vấn đề thực hành của sinh viên”, ông Hải nói.
Dù loay hoay đủ cách, ông Hải cho rằng chất lượng và tiến độ đào tạo vẫn bị ảnh hưởng. Vì vậy, tùy theo từng ngành, kế hoạch đào tạo có thể bị trễ 1-2 tháng.
Ông Phạm Xuân Khánh thậm chí còn khẳng định chất lượng phần thực hành chỉ đạt tối đa 70% so với giai đoạn bình thường. Chưa kể, phần kiến thức lý thuyết cũng không được đảm bảo trong bối cảnh nhiều sinh viên theo học tại trường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sống ở vùng núi.
“Có lớp 37 sinh viên thì chỉ 7 em có thiết bị học tập. Có em có thiết bị học nhưng lại ở những vùng hạ tầng công nghệ thông tin kém, không thể học nổi làm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ”, ông Khánh chia sẻ.
Bối cảnh đó cộng với việc kinh tế các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch khiến ông Khánh lo ngại về việc nhiều sinh viên nghề bỏ học. Khảo sát phụ huynh cho thấy nhiều người sẵn sàng cho con nghỉ học để đi kiếm tiền, ổn định cuộc sống trước mắt, rồi một vài năm nữa học lại sau.
Năm 2021, hầu hết các trường dạy nghề trên cả nước phải đóng cửa hoặc kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến từ tháng 5. Sau 7 tháng gián đoạn hoạt động thực hành, phần lớn các trường chưa ấn định được thời gian học lại do còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là tình hình dịch bệnh tại các địa phương.
Theo Dương Tâm/Vnexpress.net
Xem Tin gốc Tại đây.