Ngày 08/03, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội tổ chức gặp mặt thân mật toàn thể nữ cán bộ, viên chức và người lao động kỉ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Đây là hoạt động truyền thống hằng năm do Công đoàn HHT kết hợp với Ban nữ công tổ chức nhằm tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa các công đoàn viên.
Tham dự chương trình có NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh – Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng nhà trường, TS. Trần Xuân Ngọc – Phó Bí thư Đảng ủy – Phó Hiệu trưởng; TS Nguyễn Yên Thắng – Chủ tịch Công đoàn cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trong trường và cùng toàn thể nữ công đoàn viên.
Hiệu trưởng tặng hoa chúc mừng tập thể nữ cán bộ, giáo viên nhà trường Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Phát biểu buổi lễ, NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh bày tỏ sự quan tâm và gửi lời chúc tốt đẹp đến các nữ cán bộ, giáo viên của Nhà trường. Với trách nhiệm trong gia đình, người phụ nữ luôn có vai trò “giữ lửa” tổ ấm nhưng trong công việc các cán bộ nữ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của Trường. Sự hình thành và phát triển Nhà trường có sự đóng góp không nhỏ của các cán bộ nữ trong công tác đào tạo, nghiên cứu và quản lý, hành chính. Hiệu trưởng hy vọng hoạt động nữ công Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội tiếp tục được phát huy, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của hoạt động Nhà trường.
Tập thể nữ cán bộ, giáo viên chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo nhà trường.
Thay mặt Ban Chấp hành Công đoàn, Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Yên Thắng đã gửi tới chị em phụ nữ tình cảm cùng lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chủ tịch Công đoàn nhấn mạnh: “Nếu coi HHT là một ngôi nhà đẹp với những nhiệm vụ lớn lao, ý chí mạnh mẽ thì ngôi nhà này cũng cần sự chu đáo, tỉ mỉ và hỗ trợ hành chính đắc lực cùng sự quan tâm và sẻ chia của tập thể nữ cán bộ, giáo viên”.
Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng và thành công tốt đẹp. Chúc cho một nửa thế giới luôn có sức khỏe, sự tự tin và thành công trong cuộc sống, xứng đáng là những người phụ nữ HHT: “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”.
Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân Mỹ.Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản phát triển tột bậc, nhất là ở nước Mỹ. Nền kỹ nghệ phát triển, thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Chủ tư bản lợi dụng sức lực của phụ nữ, trẻ em, trả lương rẻ mạt làm cho đời sống của phụ nữ và trẻ em cực khổ, điêu đứng. Căm phẫn trước sự áp bức tàn bạo đó, ngày 8/3/1899, tại hai thành phố Chicago và New-York (của nước Mỹ) đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nữ công nhân ngành dệt may, đòi tăng lương, giảm giờ làm.Tháng 2 năm 1909 lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức “Ngày phụ nữ” mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ
Ngày 26 và 27/08/1910, Đại hội phụ nữ quốc tế họp tại Cô-pen-ha-gen (Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ. Từ đó ngày 8/3 đã trở thành ngày truyền thống của phụ nữ lao động trên toàn thế giới. Đó cũng là ngày hội chung của phụ nữ toàn cầu, cùng nhau đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng và cũng từ đó, phụ nữ tiến bộ khắp năm châu tổ chức ngày 8/3 với những nội dung và hình thức phong phú.
Hằng Nga/Trung tâm TS&GQVL (tổng hợp).