Ngày 6/10, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Lê Tấn Dũng làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm, nắm tình hình cũng như động viên đội ngũ chuyên gia, thí sinh tham gia thi tại một số địa điểm thi của Hội đồng thi quốc gia số 2 và số 5 của Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cùng đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị tại Hội đồng thi quốc gia số 2 trường CĐ Du lịch Hà Nội
Chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi
Tại Hội đồng thi quốc gia số 2, có 43 thí sinh tham gia thi ở 3 nội dung là lễ tân, dịch vụ nhà hàng và nấu ăn.
Báo cáo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cùng đoàn công tác tại buổi làm việc, ông Trịnh Cao Khải – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng thi quốc gia số 2 cho biết: Hội đồng thi quốc gia số 2 đã huy động gần 400 nhân sự để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các thí sinh.
Trong đó, đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, từng tham gia các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới đã góp phần lan tỏa tinh thần thi đến tập thể cán bộ, giáo viên trong trường, đặc biệt có những góp ý hữu ích để việc tổ chức thi diễn ra chuyên nghiệp.
Ngoài ra với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng là những điều kiện thuận lợi để Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội làm tốt công tác tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội đồng thi quốc gia số 2
Bên cạnh mặt thuận lợi, ông Trịnh Cao Khải cho biết, do sự dịch chuyển thời gian tổ chức thi vì dịch bệnh Covid-19 nên tâm lý cán bộ, nhân viên cũng có xáo trộn. Nhà trường phải mượn thêm một số trang thiết bị từ các khách sạn để đảm bảo tốt nhất về trang thiết bị, phương tiện cho thí sinh tham gia dự thi.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thăm, động viên đội ngũ chuyên gia và thí sinh tại Hội đồng thi số 2
Thông tin thêm với đoàn công tác về công tác tuyển sinh của trường, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Hà Nội Trịnh Cao Khải cho biết, dịch Covid-19 bùng phát ít nhiều đã ảnh hưởng đến tâm lý chọn ngành, nghề của các thí sinh. Đến nay, công tác tuyển sinh của CĐ Du lịch Hà Nội mới chỉ đạt 95 – 97% trên tổng số 2.300 chỉ tiêu.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cùng đoàn công tác kiểm tra, nắm tình hình tại Hội đồng thi quốc gia số 5
Tại Hội đồng thi quốc gia số 5, có 2 địa điểm tổ chức thi là Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và CĐN Công nghiệp Hà Nội. Trong đó địa điểm thi tại Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội đăng cai 11 nghề với 122 thí sinh dự thi.
Thí sinh tham gia thi nghề Thiết kế các kiểu tóc tại Hội đồng thi số 5
Thí sinh thi Nghề chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội ở Hội đồng thi số 5. Đây là 1 trong 7 nghề mới lần đầu tiên tham gia so tài tại kỳ thi quốc gia
Theo ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Phó chủ tịch Hội đồng thi số 5: Trong số các nghề tổ chức thi tại trường, nghề điện tử có số lượng thí sinh đông nhất là 25 thí sinh đến từ các đoàn. Nghề có số lượng thí sinh ít nhất là nghề Điều khiển công nghiệp (nghề trình diễn) với 3 thí sinh.
Đến thời điểm hiện tại, không có thí sinh nào có biểu hiện nhiễm bệnh Covid-19. Mọi cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên phục vụ cho công tác thi đã hoàn tất. Hội đồng thi số 5 có 28 đoàn dự thi được nhà trường bố trí nơi ăn ở chu đáo.
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khu ký túc xá Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội được chọn làm khu cách ly tập trung cho hơn 800 người từ các vùng dịch nước ngoài về nước. Việc tổ chức thi cũng như huấn luyện thi tại nhà trường vì thế gặp nhiều khó khăn. Đến chiều 11/9, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Hà Nội mới quyết định thu hồi khu cách ly tại trường.
Nâng tầm kỹ năng nghề
Tại các buổi làm việc, qua khảo sát, nắm tình hình, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị của các trường.
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm nay diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn. Kỳ thi bị lùi lại nhiều lần do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên các hội đồng thi đã rất nỗ lực rất lớn trong việc tổ chức thi, trong đó Hội đồng thi quốc gia số 5 là Hội đồng tổ chức thi nhiều nghề, nhiều nghề mới với trang thiết bị máy móc hiện đại nhưng đã làm tốt công tác chuẩn bị cho kỳ thi.
Tại các buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị của hai Hội đồng thi quốc gia số 2 và số 5
Nhấn mạnh ngày 4/10 hàng năm đã được chọn là Ngày Kỹ năng nghề Việt Nam, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhận định, Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm nay đã có sự nâng tầm, thể hiện các đề thi, nghề thi đã tiệm cận được với đề thi, nghề thi trong khu vực và thế giới. “Tinh thần thi là thi thật. Ban giám khảo, thí sinh, quan sát viên… đặc biệt là ban giám khảo làm việc rất chuyên nghiệp, công tâm và khách quan…”, Thứ trưởng nói.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, du lịch là ngành mũi nhọn, đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế, một quốc gia hay địa phương, trong cơ cấu kinh tế có 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ thương mại.
Tuy rằng thời gian gần đây bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, nhưng không vì thế mà làm giảm sức ảnh hưởng của ngành dịch vụ thương mại. Quốc gia nào phát triển được dịch vụ du lịch thì mới phát triển mạnh được. Do đó, trong tương lai, ngành du lịch sẽ đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn.
“Trong bối cảnh dịch Covid -19 có thể nhân lực du lịch sẽ phân tán, nhưng khi khống chế được dịch bệnh này, nhân lực sẽ được coi trọng đầu tiên. Do đó trong công tác đào tạo ngoài việc tăng cường kỹ năng cần phải tăng cường đào tạo ngoại ngữ cho lao động làm du lịch”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nói.
Mô hình Trường học thông minh
Tại buổi làm việc, ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Phó chủ tich Hội đồng thi số 5 cũng đã hiến kế về việc thiết lập mô hình Trường học thông minh.
Theo ông Phạm Xuân Khánh, mô hình quản lý hiện nay tương đối cồng kềnh, chậm đổi mới, không hiệu quả, ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm, khó đáp ứng được với yêu cầu của sự thay đổi hiện nay.
Khắc phục nhược điểm nêu trên, mô hình Trường học thông minh hướng đến việc đào tạo theo hướng tư duy và công nghệ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ đảm bảo tính sáng tạo và thích ứng nhanh với sự đổi mới.
Theo đó, hệ thống công nghệ thông tin được phân tích, thiết kế và xây dựng theo hướng quản lý toàn diện và đồng bộ tất cả các hoạt động trong nhà trường. Mô hình sẽ chuyển từ lớp học, phương pháp dạy học truyền thống qua soạn, giảng E-Learning, dạy online, phương pháp dạy học theo dự án, áp dụng công nghệ loTs (intenet of things) trong giáo dục…
Nguồn: Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống