Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, 5 tháng đầu năm 2020, các cơ sở GDNN trên cả nước đã tuyển sinh được khoảng 844.900 người, bằng 57% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt khoảng 21% so với kế hoạch tuyển sinh năm 2020. Trong đó, kết quả tuyển sinh trung cấp, cao đẳng chỉ đạt 30% với cùng kỳ 2019 và đạt khoảng 5% với kế hoạch 2020. Tình hình này, khả năng tuyển vượt chỉ tiêu sẽ gặp khó khăn nhưng đáp ứng chỉ tiêu là điều khả thi” – Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng nhận định.
Đầu tư trang thiết bị, mở các ngành nghề mới là một trong những cách hút học sinh vào học nghề của các cơ sở GDNN.
Ảnh: Đức Kiên
Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 5.7, trên toàn quốc đã có 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng hơn 13.500 thí sinh so với năm trước. Trong đó, chỉ có 643.000 em đăng ký xét tuyển cao đẳng, đại học, giảm 9.878 thí sinh so với năm 2019.
Tại Trường Cao đẳng nghề Viễn Đông, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa công bố điểm nhưng nhà trường đã tuyển được 800 chỉ tiêu cho hệ đào tạo 9+, gấp 1,5 lần so với kế hoạch ban đầu. Đối với hệ cao đẳng, đã có 1.000 thí sinh đến nhập học, đạt 50% kế hoạch. “Hiện, chúng tôi đã nhận được 6.000 hồ sơ xét tuyển, hy vọng năm nay sẽ hoàn thành kế hoạch đặt ra” – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Viễn Đông Trần Thanh Hải cho biết.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh thông tin, kế hoạch tuyển sinh năm 2020 của nhà trường là 2.600 chỉ tiêu, gồm 1.600 chỉ tiêu hệ cao đẳng, trung cấp và 1.000 chỉ tiêu hệ sơ cấp. Đến nay, Nhà trường đã nhận được 800 hồ sơ đăng ký và nhận nhập học 100 sinh viên. Như vậy, so với thời điểm này năm 2019, số lượng hồ sơ đăng ký vào trường tăng gấp rưỡi. “Song, để hoàn thành kế hoạch tuyển sinh đặt ra là rất khó khăn,” – ông Phạm Xuân Khánh dự báo.
Tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội – nơi luôn dẫn đầu về số lượng tuyển sinh của Hà Nội, hiện cũng đã đạt 50% kế hoạch tuyển sinh năm 2020. Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc chia sẻ, đón trước xu thế Cách mạng Công nghiệp 4.0 và để ứng phó với đại dịch Covid-19, năm 2020 nhà trường đã áp dụng công nghệ vào quá trình tuyển sinh, số hóa toàn bộ hoạt động tuyển sinh bằng phần mềm chuyên trang tuyển sinh trên nền tảng web và app ứng dụng trên các thiết bị di động. Vì thế, mọi hoạt động tuyển sinh, dạy và học vẫn diễn ra bình thường. “Giai đoạn này, chúng tôi đang tập trung thu hút thí sinh sau khi kết thúc thi tốt nghiệp THPT” – ông Ngọc chia sẻ.
Rốt ráo tháo gỡ khó khăn
Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho biết, trước diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, việc đào tạo trực tuyến vừa là thách thức vừa là cơ hội với các trường nghề trong việc chuyển dịch đào tạo theo hướng công nghiệp 4.0, nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh. Do đó, ngoài việc các cơ sở GDNN phải tự mình nỗ lực trong việc đổi mới phương thức dạy và học; nâng cao chất lượng đào tạo, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp… thì cần đặc biệt chú ý đến việc tăng cường đào tạo và đào tạo lại theo yêu cầu của người học và doanh nghiệp; giúp người lao động chuyển đổi cơ hội nghề nghiệp thời Covid-19 khi dịch bệnh đang làm biến đổi, thậm chí là làm biến mất một số nghề.
Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh GDNN đã đề ra đạt 2.260.000 người, trong đó trung cấp và cao đẳng là 580.000 người, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy, Tổng cục GDNN Vũ Xuân Hùng cho biết, kế hoạch tuyển sinh của các trường được đẩy mạnh từ tháng 6.2020 và tập trung cao điểm từ tháng 7 đến tháng 10. Các cơ sở GDNN, mùa tuyển sinh 2020 đã được khởi động từ sớm bằng việc giới thiệu đến các trường THCS, THPT ngành nghề đang đào tạo, cơ hội việc làm và mức lương, tư vấn hướng nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau như tư vấn trực tiếp, trực tuyến, giới thiệu qua kênh mạng xã hội… Trong đó, để đáp ứng cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 cũng như sự xuất hiện của những công việc mới chưa từng có trong cơn bão đại dịch Covid-19, nhiều trường quyết định mở ngành nghề mới.
Như Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã mở nghề mới là Thương mại điện tử phục vụ xu hướng thị trường việc làm trong nước và các ngành ngôn ngữ (Tiếng Nhật, Hàn, Đức) tạo điều kiện cho sinh viên học xong có thể làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài. Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội mở thêm 5 nghề mới, trong đó có 2 nghề trình độ Cao đẳng là Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Quản trị mạng máy tính; 3 nghề trình độ trung cấp là Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, Thiết kế đồ họa, Thiết kế trang web – những nghề phù hợp với học sinh học theo mô hình 9+.
Năm học này, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cũng triển khai chương trình đào tạo kép và đào tạo theo chương trình của Đức, Australia. Sinh viên tốt nghiệp được cấp 2 bằng (1 bằng Việt Nam, 1 bằng Đức/Australia). Do đào tạo theo đơn đặt hàng nên sinh viên được thực tập trên thiết bị thực tế trong doanh nghiệp, nhận hỗ trợ 4,5 triệu đồng/tháng…
Nguồn: https://www.daibieunhandan.vn/cuoc-dua-voi-dai-dich-va-dai-hoc-onlwfwjehx-46313